Bình thường, mỗi người đều có đường huyết cao hơn vào buổi sáng. Ở người tiểu đường, mức này có thể cao hơn rất nhiều. Theo Medical News Today, nếu lượng đường trong máu thường xuyên tăng quá cao vào buổi sáng sẽ gây ra các biến chứng từ nhẹ đến cấp cứu y tế, đe dọa tính mạng. Khi đường huyết quá cao người bệnh có thể bị nhiễm toan ceton, một loại axit tích tụ nguy hiểm trong máu. Khi đó, người bệnh có thể mất ý thức và hôn mê, thậm chí dẫn đến tử vong.
Lượng đường trong máu cao lâu dài làm nguy cơ đau tim hoặc đột quỵ cao hơn, tổn thương thần kinh trên diện rộng, mất thị lực, tổn thương cơ quan, bệnh tiến triển nhanh hơn. Triệu chứng cho thấy đường huyết cao vào buổi sáng như buồn nôn, nôn mửa, mờ mắt, chân tay yếu, mệt mỏi, mất phương hướng và cực kỳ khát nước. Người bệnh gặp phải tình trạng đường huyết cao vào buổi sáng lặp đi lặp lại nên đi khám để ngăn chặn những hậu quả xấu có thể xảy ra.
Có ba nguyên nhân chính khiến đường huyết cao vào buổi sáng. Thứ nhất, lượng đường trong máu vào buổi sáng thay đổi do sự thay đổi nội tiết tố trong cơ thể gọi là hiện tượng bình minh. Các hormone như cortisol và hormone tăng trưởng thường tăng lên mỗi ngày để kích thích gan sản xuất glucose lúc bình minh khiến mức đường huyết tăng nhẹ. Đối với người không mắc bệnh tiểu đường sẽ không gặp phải các tác dụng phụ vì cơ thể sản xuất đủ insulin để điều chỉnh đường huyết. Tuy nhiên, người bệnh tiểu đường khi đó không thể sản xuất đủ hoặc hiệu quả insulin kém sẽ không điều chỉnh được, làm lượng đường trong máu tăng cao.
Thứ hai, lượng insulin có thể giảm vào buổi sáng do vào ban đêm insulin giảm dần. Khi hiện tượng bình minh xảy ra trùng với thời điểm insulin giảm lúc sáng sớm, đường trong máu sẽ tăng cao, do người bệnh không có đủ insulin điều chỉnh đường huyết.
Thứ ba, hiệu ứng Somogyi là một lý thuyết được Tiến sĩ Michael Somogyi, Đại học Washington (Mỹ), đề xuất vào những năm 1930. Theo lý thuyết này, lượng đường trong máu tăng lên vào buổi sáng để phản ứng với một đợt hạ đường huyết vào ban đêm. Hạ đường huyết ban đêm cũng có thể xảy ra nếu người bệnh sử dụng quá nhiều insulin hoặc không ăn đủ trước khi đi ngủ. Nghiên cứu chỉ ra, hiệu ứng Somogyi là nguyên nhân phổ biến nhất gây tăng đường huyết lúc đói ở người bệnh tiểu đường tuýp một và kiểm soát đường huyết kém.
Người bệnh bị tăng đường huyết trước khi ngủ có khả năng kéo dài đến sáng. Nếu thường xuyên tăng đường huyết vào buổi sáng, bạn nên kiểm tra trước khi đi ngủ, vào giữa đêm và khi thức dậy để hiểu rõ nguyên nhân. Từ đó, người bệnh có các biện pháp kiểm soát đường huyết vào buổi sáng. Nguyên nhân có thể do ăn một bữa ăn lớn gần giờ đi ngủ hoặc sử dụng quá ít insulin. Bạn có thể điều chỉnh bằng cách thay đổi thói quen ăn uống như ăn nhẹ vào buổi tối, không ăn sát giờ đi ngủ và tăng nhẹ liều lượng insulin.
Nếu trước khi đi ngủ đường huyết ổn định nhưng thức dậy lại tăng cao, có thể do người bệnh sử dụng quá ít hoặc quá sớm insulin. Trong trường hợp này, bạn có thể sử dụng insulin hai lần mỗi ngày hoặc sử dụng insulin tác dụng kéo dài. Đường huyết thường xuyên cao trong khoảng từ 3-8 giờ sáng cho thấy bạn gặp hiện tượng bình minh. Khi đó, bạn có thể sử dụng máy bơm insulin tự động để cung cấp nhiều insulin hơn vào sáng sớm
Duy trì một số thói quen, lối sống có thể giúp kiểm soát mức đường huyết vào buổi sáng như tập thể dục vào buổi tối, tăng tỷ lệ protein thành carbohydrate trong bữa ăn tối, ăn sáng mỗi ngày.
Mai Cát
(Theo Medical News Today)