Reuters nhận định hội nghị thượng đỉnh giữa Tổng thống Mỹ Donald Trump và lãnh đạo Triều Tiên Kim Jong-un dự kiến diễn ra ở Việt Nam cuối tháng 2 chứng minh cho một chương mới trong mối quan hệ phức tạp giữa các nước, nhưng cũng gợi lên nhiều hoài niệm với một số người.
Tại tỉnh Bắc Giang, cách thủ đô Hà Nội không xa, nghĩa trang của 14 quân nhân không quân Triều Tiên hy sinh trong chiến tranh Việt Nam là một sự nhắc nhở về vai trò của Bình Nhưỡng với cuộc chiến.
Nghĩa trang do một cựu chiến binh Việt Nam săn sóc, nhưng kể từ khi hài cốt của các quân nhân Triều Tiên được hồi hương vào năm 2000, ông thi thoảng mới đến đây. "Tôi vẫn trông coi các bia đá vì tôi cũng từng chiến đấu trong cuộc chiến này", ông Dương Văn Dậu nói.
Triều Tiên từng điều hàng trăm phi công tiêm kích MiG-17 đến hỗ trợ huấn luyện phi công Việt Nam và thậm chí trực tiếp tham chiến, bắn hạ 26 máy bay Mỹ từ năm 1966 đến 1969.
"Là một người dân, tôi có nhiệm vụ coi sóc địa điểm này vì nó ghi nhớ cuộc kháng chiến chống Mỹ cùng những người anh em Triều Tiên, những người đã chiến đấu bên chúng tôi và hy sinh vì đất nước chúng tôi", ông Dậu nói.
Nhiều thập kỷ sau chiến tranh, quan hệ giữa Việt Nam với Hàn Quốc và Mỹ trở nên nồng ấm với kinh tế là liên kết chủ đạo. Trong khi đó, Triều Tiên vẫn khép kín và căng thẳng với Mỹ, Hàn chưa được xoa dịu.
Việt Nam sau đó tiến hành công cuộc Đổi mới, thực hiện hàng loạt cải cách chính trị và kinh tế, mở rộng quan hệ với các nước phương Tây và thiết lập quan hệ ngoại giao với Hàn Quốc năm 1992. Trong bối cảnh Bình Nhưỡng chịu lệnh cấm vận quốc tế sau các vụ thử nghiệm vũ khí những năm gần đây, quan hệ thương mại giữa Việt Nam và Triều Tiên chỉ duy trì ở mức nhỏ và không ổn định.
Hiện Việt Nam và Triều Tiên vẫn duy trì một số mối liên kết và mô hình Đổi mới của Việt Nam được ca ngợi là hình mẫu cho Triều Tiên học hỏi nếu muốn hội nhập quốc tế.
Nguyễn Thuý, một doanh nhân ở Hà Nội, hồi tháng 11/2018 từng đến Triều Tiên du lịch một tuần. "Đây chắc chắc là một trong những nơi thanh bình nhất trên thế giới vì chưa bị ảnh hưởng nhiều bởi công nghệ", bà Thuý nói.
Có hai nhà hàng Triều Tiên tại Hà Nội và trường mầm non Việt Triều Hữu nghị do Bình Nhưỡng xây tặng từ năm 1978 vẫn còn hoạt động và rất quen thuộc với các nhân viên ngoại giao Triều Tiên.
"Kể từ khi thành lập, trường mầm non luôn duy trì mối quan hệ thân thiết với Đại sứ quán Triều Tiên và Hội Hữu nghị Việt - Triều", bà Ngô Thị Minh Hà, hiệu trưởng trường mầm non Việt Triều Hữu nghị, chia sẻ.
Ngôi trường vừa mở thêm hai lớp mới theo tên hai nhà lãnh đạo Kim Nhật Thành và Kim Jong-il, ông nội và cha của Kim Jong-un. Triều Tiên cũng mở một nhà trẻ hữu nghị ở Bình Nhưỡng có lớp học được đặt theo tên Chủ tịch Hồ Chí Minh.
"Chúng tôi hoàn toàn tin tưởng rằng kinh tế Triều Tiên sẽ phát triển hơn nữa bởi người Triều Tiên rất sáng tạo, mạnh mẽ và quyết đoán", bà Hà nói. "Chúng tôi tin những người bạn Triều Tiên sẽ có những cải cách đột phá theo mô hình đổi mới của riêng họ trong tương lai".