Thứ năm, 28/2/2019, 10:04 (GMT+7)

4 phóng viên Nhà Trắng không được dự bữa tối của Trump - Kim

Nhà Trắng đặt ra giới hạn do tính chất nhạy cảm của cuộc gặp, nhưng khẳng định vẫn đảm bảo sự tiếp cận sát sao của báo chí Mỹ.

Tổng thống Mỹ Donald Trump (phải) và Chủ tịch Triều Tiên Kim Jong-un tại bữa tối hôm qua ở khách sạn Metropole, Hà Nội. Ảnh: AFP.

Tổng thống Mỹ Donald Trump (phải) và Chủ tịch Triều Tiên Kim Jong-un tại bữa tối hôm qua ở khách sạn Metropole, Hà Nội. Ảnh: AFP.

Nhà Trắng hôm qua cấm 4 phóng viên từ các hãng Reuters, AP, Bloomberg và Los Angeles Times tham dự bữa tối giữa Tổng thống Mỹ Donald Trump và Chủ tịch Triều Tiên Kim Jong-un tại khách sạn Metropole, Hà Nội, theo Reuters. Những người này nằm trong đoàn báo chí của Nhà Trắng, theo sát Trump và đưa tin về các hoạt động của ông. 

"Do tính chất nhạy cảm của cuộc gặp, số phóng viên dự bữa tối bị giới hạn hơn, nhưng vẫn đảm bảo có đủ phóng viên ảnh, truyền hình, radio và báo giấy ở trong phòng", thư ký báo chí Nhà Trắng Sarah Sanders cho biết. "Chúng tôi đang tiếp tục thảo luận các khía cạnh của hội nghị thượng đỉnh lịch sử này và sẽ luôn đảm bảo cho báo chí Mỹ tiếp cận nhiều nhất có thể".

Trong cuộc gặp ngắn đầu tiên giữa lãnh đạo Mỹ - Triều tại hội nghị thượng đỉnh lần hai, khi các máy quay đang ghi hình, phóng viên Jeff Mason của Reuters đã hỏi Trump muốn đạt được điều gì tại hội nghị thượng đỉnh và liệu ông có rút lại đề nghị phi hạt nhân hóa đối với Triều Tiên hay không. Tổng thống Mỹ đã trả lời "không" cho câu hỏi thứ hai và trả lời chi tiết câu thứ nhất.

Phóng viên Jonathan Lemire của AP sau đó hỏi Trump có định kết thúc chiến tranh Triều Tiên hay không và nhận được câu trả lời: "Rồi chúng ta sẽ thấy". Các phóng viên sau đó được mời ra khỏi phòng, nhưng nhanh chóng trở lại cho buổi tiếp xúc báo chí thứ hai. 

Vào cuối buổi tiếp xúc này, Lemire hỏi Trump phản hồi ra sao trước những lời khai trước quốc hội Mỹ của Michael Cohen, cựu luật sư của Tổng thống Mỹ, nhưng Trump lắc đầu. Cohen đã cáo buộc Trump là một người "phân biệt chủng tộc và lừa đảo". 

Tới buổi tiếp xúc báo chí thứ ba, bà Sanders, người bày tỏ lo ngại với các câu hỏi trước đó, thông báo chỉ các phóng viên ảnh được tham dự. Mason, Lemire cùng Justin Sink của hãng Bloomberg và Eli Stokols của Los Angeles Times vẫn không được tham gia.

Reuters cho biết động thái của Nhà Trắng khiến họ "lo ngại sâu sắc". Trong khi đó, AP phản đối việc hạn chế sự tiếp cận với Tổng thống. "Điều vô cùng quan trọng với bất cứ tổng thống nào là duy trì các tiêu chuẩn tự do báo chí Mỹ, không chỉ trong nước mà đặc biệt là ở nước ngoài", phát ngôn viên của AP nói.

Ánh Ngọc

 

Chia sẻ bài viết qua email