Trả lời
Hen phế quản là bệnh viêm mạn tính niêm mạc phế quản, với nhiều triệu chứng dễ quan sát như kém thích nghi với thời tiết lạnh, ho dai dẳng, nhất là khi về đêm, dễ bị dị ứng, khó thở, thở khò khè, luôn thấy mệt mỏi khi vận động, có cơn co thắt ngực. Cơn hen phế quản cấp có biểu hiện khó thở tăng, ho, nặng ngực, giảm chức năng thông khí phổi.
Dấu hiệu đợt cấp của hen phế quản thường là ngứa mũi, ngứa họng, hắt hơi, ho, chảy nước mắt, nước mũi, ngứa mắt hoặc đỏ mắt, buồn ngủ. Nếu chồng bạn có biểu hiện trên, bạn quan sát và xác định nhanh nguồn gây kích ứng (phấn hoa, lông động vật, thực phẩm dị ứng...) và cách ly người bệnh khỏi tác nhân này. Đồng thời, người bệnh cần được giữ ấm cơ thể, tránh điều hòa, quạt ẩm, nằm kê cao nửa người (trên giường) để dễ thở hơn. Không xoa hay vuốt ngực cho người bệnh vì dễ gây tác động lên đường thở, khiến cơn hen nặng hơn.
Ở mức độ hen nhẹ - trung bình, người bệnh có biểu hiện nói từng cụm từ, thích ngồi hơn nằm, không kích động tinh thần, nhịp thở tăng, không sử dụng cơ hô hấp phụ, nhịp tim khoảng 100-120 lần mỗi phút, SpO2 90-95%. Lúc này, người bệnh cần sử dụng thuốc xịt 10 nhát một lần, xịt tối đa ba lần, mỗi lần cách nhau 20 phút nếu triệu chứng đợt cấp không giảm.
Khi bệnh nhân nói từng từ, ngồi khom về phía trước, kích động tinh thần, nhịp thở trên 30 mỗi phút, cơ hô hấp phụ co kéo, nhịp tim trên 120 lần mỗi phút, SpO2 dưới 90% là tình trạng ở mức độ nặng. Người bệnh cần được xịt hít thuốc cắt cơn ngay và đưa tới bệnh viện gần nhất để can thiệp y tế.
Với cơn hen nguy kịch, người bệnh có cảm giác buồn ngủ, cơ thể tím tái, không thể nói chuyện được. Lúc này gia đình cần gọi ngay xe cấp cứu, trong thời gian chờ đợi xe cần ngay lập tức xịt hai nhát thuốc cắt cơn hen cấp tính.
Cơn hen có thể tiến triển nhanh và nguy hiểm. Do đó, cách tối ưu nhất là tuân thủ điều trị và tái khám định kỳ để chủ động phòng ngừa hen tái phát đợt cấp. Người bệnh nên cai thuốc lá và tránh phơi nhiễm thụ động với khói thuốc, tập thở nhẹ nhàng. Xây dựng chế độ ăn nhiều rau và trái cây tươi, không dùng thực phẩm có nguy cơ gây dị ứng. Người bệnh kiểm soát cảm xúc, hạn chế cười to, khóc, giận dữ hoặc sợ hãi không kiểm soát.
Ngoài ra, để nâng cao đề kháng đường hô hấp, chồng bạn nên tiêm vaccine phòng cúm mỗi năm một lần, tiêm vaccine phòng phế cầu, vaccine phòng ho gà (nếu chưa tiêm).
ThS.BS Lê Thị Hồng Thắm
Khoa Hô hấp, Bệnh viện Đa khoa Tâm Anh Hà Nội
Độc giả đặt câu hỏi về bệnh hô hấp tại đây để bác sĩ giải đáp |