Con tôi năm nay 7 tuổi, cháu vừa được chẩn đoán mắc hen suyễn sau khi nhập viện do ho kèm khó thở. Tôi nghe nói mắc bệnh hen suyễn thì suốt đời cháu phải dùng ống hít, hiểu như vậy có đúng không? Trẻ còn nhỏ làm sao các cháu có thể nhớ mang theo ống hít 24/24, vậy những lúc lên cơn hen nhưng quên mang ống thì nguy hiểm như thế nào thưa bác sĩ? (Hải Âu, TP Hà Nội).
Trả lời:
Cơn hen suyễn có thể là một trường hợp cấp cứu y tế nghiêm trọng. Do vậy đa số những người bị hen đều mang theo ống hít cứu hộ khi lên cơn hen. Cũng vì thế mà từ trước đến nay, nhiều quan điểm vẫn cho rằng, bất cứ người mắc hen suyễn nào cũng cần ống hít như một món đồ không thể thiếu trong người.
Trong kiểm soát hen phế quản, thuốc có thể được dùng đường uống, khí dung, thậm chí đường tiêm nhưng phổ biến, thuận tiện, hiệu quả nhất vẫn là dùng thuốc chứa trong các thiết bị xịt, hít.
Dạng thuốc này có thể dùng trong 2 trường hợp, cắt cơn hen hoặc để kiểm soát, dự phòng. Thuốc xịt hít là dạng đưa thuốc vào thẳng đường hô hấp qua miệng do đó có tác dụng nhanh hơn thuốc uống hoặc khí dung. Mặt khác thuốc xịt được phân phối qua đường hô hấp đến phổi nên liều lượng cần thường thấp hơn rất nhiều so với thuốc uống hoặc tiêm truyền giúp giảm được nhiều tác dụng phụ toàn thân do thuốc. Thiết bị xịt hít đa phần được thiết kế nhỏ gọn, thích hợp cầm tay, mang theo bên người, đồng thời thiết kế để chứa đa liều. Cơn hen phế quản có thể xảy ra bất kỳ khi nào do đó việc có thể mang theo ống hít, xịt mọi lúc mọi nơi là một ưu điểm rất lớn của thuốc dạng xịt hít.
Những người bị hen suyễn thường bỏ qua việc điều trị khi thấy các triệu chứng thuyên giảm. Người bệnh vẫn có nguy cơ xuất hiện cơn hen cấp mà triệu chứng nhẹ cũng có thể gây ra thở khò khè, tức ngực, ho và khó thở, trường hợp đợt cấp nặng có thể nguy hiểm đến tính mạng. Do vậy, người mắc hen suyễn cần nhớ rằng hen suyễn là bệnh lý phải được theo dõi, kiểm soát liên tục.
Với trường hợp người mắc hen suyễn ra ngoài nhưng quên mang theo ống hít, bác sĩ Lan khuyên người bệnh nên nhờ đến sự giúp đỡ từ những người xung quanh. Cụ thể, người bệnh nên thông báo cho người xung quanh biết về cơn hen đang gặp phải. Những người xung quanh có thể hỗ trợ người bệnh sơ cứu ban đầu đồng thời gọi cấp cứu ngay nếu có các dấu hiệu của cơn hen cấp nguy hiểm
Bên cạnh đó, người bệnh nên ngồi thẳng lưng để giúp giữ cho đường thở thông thoáng. Người bệnh cần giữ bình tĩnh hết mức có thể khi lên cơn hen suyễn. Bởi lẽ nếu hoảng sợ và căng thẳng các triệu chứng sẽ diễn biến theo chiều hướng xấu, cố gắng hít thở chậm, hít vào sâu bằng mũi và thở ra bằng miệng, duy trì hơi thở ổn định, tập trung vào nhịp thở. Bên cạnh đó, người bệnh cần tránh xa khỏi các tác nhân kích thích gây khởi phát cơn hen cấp.
Bác sĩ Thân Thị Ngọc Lan
Khoa Nội hô hấp BVĐK Tâm Anh Hà Nội