Hen suyễn là tình trạng viêm niêm mạc phế quản mạn tính. Thạc sĩ, Bác sĩ Thân Thị Ngọc Lan, khoa Hô hấp, bệnh viện Đa khoa Tâm Anh Hà Nội, cho biết khi xuất hiện cơn hen suyễn, lớp niêm mạc của phế quản sưng lên, dễ kích ứng, tăng tiết nhiều chất nhầy và co thắt cơ trơn, làm các đường dẫn khí bị thu hẹp, từ đó giảm lưu lượng khí ra vào phổi. Nếu tình trạng phù nề trở nên nghiêm trọng, người bệnh sẽ đối diện với triệu chứng khó thở, khò khè khó chịu, suy hô hấp, thậm chí nguy hiểm đến tính mạng.
Bệnh hen suyễn không thể chữa khỏi, nhưng các triệu chứng có thể được kiểm soát. Bên cạnh việc sử dụng các thuốc điều trị duy trì theo đúng chỉ định của bác sĩ và tái khám định kỳ theo hẹn, một số biện pháp dưới đây có thể giúp giảm bớt các triệu chứng và đề phòng tái phát cơn hen suyễn.
Uống đủ nước
Cơ thể người được tạo thành từ 55-60% là nước, vì vậy giữ đủ nước có vai trò đảm bảo hoạt động tối ưu của các cơ quan. Hydrat hóa giúp làm ẩm đường thở, loãng dịch nhầy, lớp màng nhầy trong phổi không dày lên, tăng lưu thông khí, tránh tình trạng khó thở, giảm triệu chứng hen và nguy cơ nhiễm trùng.
Lượng chất lỏng cần bổ sung tùy thuộc vào mức độ hoạt động, lượng mồ hôi tiết ra và cân nặng của mỗi người. Thông thường, người khỏe mạnh cần khoảng 1,5-2 lít nước mỗi ngày, chia làm nhiều lần trong ngày. Ngoài nước lọc và nước canh rau củ, trà xanh hay một số loại nước ép trái cây như cà chua, táo, cam, lựu... có đặc tính làm giãn đường thở, thích hợp với người bệnh hen suyễn.
Bác sĩ Lan cho biết, caffein trong cà phê có tác dụng tương tự với theophylline, một loại thuốc cũ để điều trị thở khò khè, hơi thở nặng nề, tức ngực trong bệnh hen suyễn, giúp mở đường thở và cải thiện chức năng phổi. Trong một nghiên cứu, caffeine thậm chí còn cho thấy khả năng ngăn ngừa bệnh hen suyễn do tập thể dục khi dùng ở liều lượng vừa phải. Tuy nhiên, những hiệu ứng này là tạm thời, không có tác dụng ngay sau khi uống và chỉ kéo dài từ 2-4 giờ. Bạn không nên sử dụng cà phê như một phương pháp điều trị bệnh hen do caffein cũng có thể gây ra hiện tượng trào ngược hoặc ợ nóng, hoặc khi dùng nhiều có thể gây nhịp tim nhanh, khó ngủ, căng thẳng và kích động, đây là tác nhân gây ra các triệu chứng hen suyễn hoặc khiến bệnh tiến triển nặng.
Người bệnh không nên lạm dụng đồ uống chứa đường vì có thể gây mất nước. Nước giải khát có gas và rượu bia không chỉ gây mất nước mà còn làm tăng triệu chứng trào ngược dạ dày thực quản, ợ nóng, tăng nguy cơ khởi phát cơn hen, không nên sử dụng.
Tránh tiếp xúc với chất gây dị ứng
Phấn hoa, bụi nhà, lông vật nuôi,... đều là những dị nguyên có thể gây khởi phát cơn hen. Mùi hương từ nước hoa, khói nhang, chất khử mùi và tẩy rửa gia dụng, nến thơm, nước xả vải, khói thuốc lá dễ làm kích thích cơn hen, gây khó thở. Tránh tiếp xúc với những chất này có thể làm giảm các triệu chứng hen suyễn.
Bạn nên giữ gìn không gian sống sạch sẽ: hút bụi nhà thường xuyên; giặt rèm cửa, loại bỏ nệm, gối cũ bẩn; thay bộ lọc khí ở điều hòa, thiết bị sưởi ấm, quạt làm mát định kỳ; mở cửa sổ để không khí lưu thông... để giảm thiểu ô nhiễm không khí trong nhà, tránh nấm mốc sinh sôi.
Xông hơi
Xông hơi giúp giảm các triệu chứng hen suyễn qua nhiều cơ chế. Hơi nước ấm cung cấp độ ẩm cho đường hô hấp, làm loãng dịch nhầy, giảm các triệu chứng nghẹt mũi, ngứa mũi, đau rát họng, ho, xung huyết niêm mạc mũi họng. Liệu pháp này cũng giúp tăng lưu thông máu đến các phế nang, làm giãn các cơ xung quanh phế quản và phế nang, giảm căng thẳng cơ và cải thiện khả năng thở.
Ngoài ra, hơi nóng và độ ẩm cao còn làm giảm sưng phù, giảm phản ứng dị ứng. Đồng thời, ức chế khả năng nhân lên của virus trên các tế bào biểu mô đường hô hấp và kích thích hệ thống miễn dịch tăng sản xuất bạch cầu, protein interferon có tác dụng chống virus, giúp giảm nguy cơ mắc bệnh hô hấp.
Xông hơi có thể là một giải pháp tạm thời hiệu quả nhưng các nhà nghiên cứu cần thêm các bằng chứng thuyết phục hơn để hiểu về lợi ích của nó đối với bệnh nhân hen phế quản. Người bệnh hen không nên lạm dụng việc xông hơi. Xông hơi với luồng hơi quá nóng hoặc sử dụng tinh dầu không đảm bảo, dụng cụ xông hơi không được vệ sinh thường xuyên có thể gây tổn thương, kích thích niêm mạc đường hô hấp, gây tác dụng ngược lại.
Xây dựng chế độ dinh dưỡng cân bằng
Người bệnh nên xây dựng chế độ dinh dưỡng cân bằng, hạn chế chất béo bão hòa, tăng cường vitamin và chất xơ qua rau xanh, hoa quả tươi... Các loại rau củ quả nhiều màu sắc giàu chất chống oxy hóa như beta-carotene và vitamin C, vitamin E giúp chống viêm hiệu quả. Người bệnh nên thận trọng với một số loại thực phẩm chứa sulfites, có thể gây khởi phát cơn hen. Chất bảo quản này thường được tìm thấy trong rượu vang, trái cây khô, dưa chua và tôm.
Theo bác sĩ Lan, một số loại gia vị như tỏi, gừng, cam thảo, quế, mật ong,... có chứa các hợp chất chống viêm, giúp làm dịu các triệu chứng hen suyễn. Bạn có thể ngâm chúng với nước nóng và uống như trà hoặc sử dụng các loại gia vị này trong nấu ăn.
Tập thể dục
Theo bác sĩ Lan, tập thể dục thường xuyên khoảng 20-30 phút mỗi ngày làm tăng lưu thông máu, đẩy nhanh hoạt động của túi khí trong phổi, tăng trao đổi khí. Rèn luyện thể lực còn giúp giảm mỡ thừa vùng bụng, tăng dung tích lồng ngực, cải thiện khả năng thở. Để đạt hiệu quả tốt, người bệnh nên kết hợp tập thể dục với tập các bài tập thở như: thở chúm môi hoặc thở bằng cơ hoành. Người bệnh nên tham khảo ý kiến bác sĩ điều trị trước khi bắt đầu một chế độ tập thể dục mới. Người bệnh nên lựa chọn các bài tập vừa sức, tránh tập ở nơi có mật độ giao thông cao hoặc khi chất lượng không khí kém. Nếu trời chuyển lạnh, nên che miệng, mũi hoặc tập luyện trong nhà để đảm bảo an toàn.
Trịnh Mai