Ngày 5/2, thạc sĩ, bác sĩ Đặng Thành Đô, khoa Hô hấp, Bệnh viện Đa khoa Tâm Anh Hà Nội, cho biết anh Hùng bị suy hô hấp cấp tiến triển, viêm phổi, xuất hiện đám mờ dày đặc hai bên phổi, diễn tiến bệnh nhanh, cần nhập viện theo dõi.
Anh được dùng kháng sinh phổ rộng kết hợp thở máy, hỗ trợ chức năng hô hấp. Bác sĩ chỉ định vỗ rung đờm trong quá trình điều trị giúp phổi giãn nở tốt, tăng cường sức cơ hô hấp, đào thải đờm nhớt ra khỏi đường hô hấp cho người bệnh.
Sau 10 ngày điều trị, chức năng phổi dần hồi phục, anh được cai máy thở, phục hồi tốt và xuất viện.
Anh Hùng âm tính với tất cả xét nghiệm virus, vi khuẩn gây viêm phổi phổ biến. Leo núi là hoạt động gắng sức cường độ cao làm tăng nhiệt độ cơ thể, nhiều người thường cởi bớt áo ngoài để giảm thân nhiệt dễ dẫn đến nhiễm lạnh. Đây có thể là yếu tố thuận lợi khiến anh viêm phổi, theo bác sĩ Đô.
Anh không hút thuốc lá, gia đình không có người mắc bệnh hô hấp mạn tính, hoạt động thể chất đều đặn, sức khỏe tốt. Tuy nhiên, anh bị béo phì độ một có thể làm tăng nặng các bệnh hô hấp. Bác sĩ Đô giải thích ở người béo phì, hệ suất đàn hồi của toàn hệ thống hô hấp giảm 1/3 so với bình thường khiến chức năng thông khí suy giảm. Người béo phì thường phải thở nhanh và nông.
Viêm phổi là tình trạng nhiễm trùng nhu mô phổi, có thể gây các biến chứng nặng như suy hô hấp, áp xe phổi, tràn dịch màng phổi, nhiễm trùng huyết... Bệnh phổ biến ở trẻ em dưới 5 tuổi và người lớn tuổi (trên 65 tuổi). Người bệnh đái tháo đường, xơ gan, nghiện rượu hoặc có thói quen hút thuốc lá, thuốc lào có nguy cơ viêm phổi cao.
Để phòng ngừa bệnh, bác sĩ Đô khuyến cáo đeo khẩu trang khi ra ngoài để hạn chế nguy cơ lây nhiễm virus, vi khuẩn; tiêm vaccine cúm và phế cầu; sống lành mạnh giúp tăng sức đề kháng. Người có bệnh lý nền cần khám và theo dõi sức khỏe định kỳ.
Thời tiết mùa đông ở miền Bắc lạnh, mưa ẩm là điều kiện thuận lợi cho nhiều loại vi khuẩn, virus gây bệnh đường hô hấp phát triển, dẫn tới biến chứng viêm phổi. Mọi người nên giữ ấm cổ, ngực, đầu, nhất khi hoạt động ngoài trời.
Viêm phổi có biểu hiện tương tự các bệnh viêm nhiễm đường hô hấp như ho, ho có đờm, đau ngực khi ho, mệt mỏi, khó thở. Một số trường hợp sốt, buồn nôn, nôn... Người có biểu hiện hoặc nghi ngờ viêm phổi đều cần đến bác sĩ để khám, chẩn đoán và điều trị. Bác sĩ Đô lưu ý người bệnh không nên chủ quan, tự điều trị hay tự mua thuốc kháng sinh về uống.
Khuê Lâm
Độc giả gửi câu hỏi về bệnh hô hấp tại đây để bác sĩ giải đáp |