Ngày 3/3, tiến sĩ, bác sĩ Đặng Thị Mai Khuê - Đơn vị Hô hấp, Khoa Nội Tổng hợp, Bệnh viện Đa khoa Tâm Anh TP HCM, cho biết anh Trần Trung Nghĩa (47 tuổi, Việt kiều Mỹ) cấp cứu trong tình trạng khó thở nặng, sốt cao, nồng độ oxy máu thấp do tràn dịch màng phổi phải, hóa mủ. Bệnh nhân được điều trị bằng kháng sinh. Đồng thời, bác sĩ hút ra gần 1,3 lít dịch vàng ở hai bên phổi (đặc biệt, phổi phải bị tràn dịch toàn bộ), để giảm khó thở cho bệnh nhân. Trong khi lượng dịch bình thường ở khoang màng phổi rất ít, chỉ khoảng 20 ml. Kết quả chụp CT cho thấy người bệnh có thêm ổ mủ to trên vùng đỉnh phổi.
ThS.BS Lê Thị Ngọc Hằng và ThS.BS. Nguyễn Hồng Vinh, khoa Tim mạch - Lồng ngực, nhận định người bệnh cần phẫu thuật nội soi lồng ngực ngay để phá bỏ ổ tụ mủ, giúp phổi nở tối đa. Nếu không can thiệp ngay người bệnh có nguy cơ diễn tiến thành suy hô hấp, nhiễm trùng phổi, trung thất, nhiễm độc, dẫn đến tử vong.
Ca mổ kéo dài 4 giờ. Sau phẫu thuật, phổi bệnh nhân nở, hết dịch, không còn khó thở, hạ sốt. Anh Nghĩa tiếp tục điều trị kháng sinh, tập vật lý trị liệu hô hấp, sức khỏe ổn định và xuất hiện sau 2 ngày.
Trước đó, anh Nghĩa từ Mỹ về Việt Nam được một tuần thì đột nhiên xuất hiện tình trạng khó thở, sốt cao. Anh điều trị tại một bệnh viện ở tỉnh nhưng bệnh trở nặng.
Theo Tiến sĩ Mai Khuê, anh Nghĩa là trường hợp cận viêm của bệnh lý viêm phổi, khiến lượng dịch tăng lên gấp nhiều lần.
Thông thường, bệnh xuất hiện ở những người thiếu dinh dưỡng, có cơ địa nhiễm trùng, hút thuốc lá, COPD, lao phổi, HIV, tiểu đường lâu năm. Trường hợp của anh Nghĩa hiếm gặp bởi không có bệnh nền, không suy dinh dưỡng.
Tiến sĩ Mai Khuê cho biết thêm, khoảng 20 năm trước, tỷ lệ bệnh nhân mắc mủ màng phổi khá nhiều. Hiện, số lượt mắc giảm do trình độ dân trí ngày càng cao, ăn uống đủ dinh dưỡng.
Bình An