Viêm khớp cùng chậu ở nam giới là tình trạng khớp cùng chậu bị viêm, dẫn đến đau nhức tại vùng thắt lưng, mông hoặc đùi. Cơn đau có thể lan xuống háng, đùi, cẳng chân và thậm chí là cả bàn chân. Khớp cùng chậu bị cứng, khó cử động, đặc biệt là vào buổi sáng. Ngoài ra, người bệnh còn có thể cảm thấy sốt, mệt mỏi, buồn nôn...
Nếu không được chẩn đoán và điều trị sớm, bệnh sẽ dẫn đến nhiều biến chứng nghiêm trọng như mất khả năng vận động, cứng đốt sống, suy giảm chất lượng giấc ngủ, có thể dẫn đến trầm cảm. Một số nguyên nhân thường gặp có thể dẫn đến viêm khớp cùng chậu như bệnh viêm khớp, viêm cột sống dính khớp, gout, chấn thương và nhiễm trùng.
ThS.BS Trần Thị Hoài Thanh, khoa Cơ xương khớp, Bệnh viện Đa khoa Tâm Anh Hà Nội cho biết, hầu hết các trường hợp mắc viêm khớp cùng chậu ở nam giới đều nhận thấy có cải thiện tốt sau khi áp dụng phương pháp điều trị phù hợp, triệu chứng đau nhức được loại bỏ, khả năng vận động được phục hồi. Tuy nhiên, tùy theo từng tình trạng, đặc trưng cơ địa, quá trình chữa lành có thể kéo dài từ 2-4 tuần. Ngoài ra, các đợt tái phát cũng có nguy cơ trở lại nếu người bệnh không thay đổi lối sống, tiếp tục lặp lại những thói quen tiêu cực.
Khi xảy ra tình trạng viêm khớp cùng chậu, người bệnh nên nghỉ ngơi từ 1-2 ngày và dừng hết tất cả những hoạt động có thể làm cho triệu chứng bệnh trở nên trầm trọng hơn. Đa số các trường hợp viêm khớp cùng chậu ở nam giới đều có thể điều trị hiệu quả bằng vật lý trị liệu. Liệu pháp này giúp tăng cường và ổn định hoạt động của các cơ xung quanh khớp, cải thiện đáng kể khả năng vận động của người bệnh.
Bác sĩ có thể chỉ định dùng các loại thuốc chống viêm không steroid (NSAID) để kiểm soát các cơn đau nhức trong giai đoạn đầu. Nếu tình trạng nghiêm trọng hơn, phương pháp tiêm steroid vào khớp có thể được thực hiện. Ngoài ra, bác sĩ có thể chỉ định thực hiện đốt sống cao tần. Đây là thủ thuật sử dụng sóng vô tuyến để làm nóng một vùng nhỏ trên mô thần kinh, giúp giảm đau nhanh chóng.
Dù không thể phòng ngừa hoàn toàn tình trạng viêm khớp cùng chậu nhưng nam giới có thể giảm nguy cơ mắc bệnh nếu thực hiện thói quen sinh hoạt hợp lý. Theo đó, nam giới nên hạn chế ngồi lâu, cố gắng đứng dậy, vươn vai hoặc đi bộ nhẹ nhàng ít nhất 60 phút một lần. Khi ngồi, cần giữ hông ngang bằng với đầu gối, tránh bắt chéo chân vì tư thế này dễ làm căng các dây chằng xung quanh khớp cùng chậu, dẫn đến đau nhức. Thực hiện các bài tập tăng cường sức mạnh và sự dẻo dai của cơ mông cũng là một giải pháp để giữ khớp cùng chậu luôn khỏe mạnh. Tuy nhiên, cần tránh chạy bộ và leo cầu thang, vận động vừa sức để không làm khớp căng quá mức.
Bên cạnh đó, nằm nghiêng khi ngủ, kê một chiếc gối giữa hai đầu gối để cố định vùng hông; giữ vệ sinh vùng chậu và cơ quan sinh dục, đặc biệt là với nam giới đang trong độ tuổi sinh sản cũng có tác dụng phòng bệnh hiệu quả. Điều trị triệt để nếu xuất hiện tình trạng nhiễm trùng ở vùng chậu. Viêm khớp cùng chậu còn có thể khởi phát từ các bệnh lý như viêm khớp, viêm khớp cột sống, gout, chấn thương. Vì vậy, để phòng ngừa nguy cơ mắc viêm khớp cùng chậu, nam giới cũng cần kiểm soát tốt các bệnh lý này.
Bác sĩ Hoài Thanh nhấn mạnh, thực hiện lối sống lành mạnh, đến bệnh viện ngay khi phát hiện các dấu hiệu bất thường là những phương pháp hiệu quả giúp phòng ngừa và phát hiện bệnh sớm, từ đó kịp thời điều trị, giảm nguy cơ phát triển biến chứng.
Phi Hồng