Hơn một nửa người mắc viêm khớp cho biết họ gặp các cơn đau nặng hơn trong mùa đông. Khi thời tiết chuyển lạnh, nhiệt độ hạ thấp, áp suất khí quyển sẽ giảm, các nguyên nhân vật lý này sẽ tác động khiến các mô và khớp giãn nở gây đau. Trong một cuộc khảo sát trên 200 người bị viêm khớp đầu gối, các nhà nghiên cứu đã phát hiện ra rằng khi nhiệt độ giảm khoảng 10 độ, cũng như áp suất khí quyển thấp làm gia tăng chứng đau khớp. Để kiểm soát tình trạng đau do viêm khớp trong mùa đông, người bệnh nên áp dụng một số biện pháp sau:
Mặc quần áo bó
Những loại quần áo bó sát như legging, áo giữ nhiệt giữ ấm cho cơ thể tốt hơn những bộ đồ thể thao rộng rãi. Ngoài ra, theo các chuyên gia phẫu thuật chỉnh hình Mỹ, quần áo bó giúp giảm tình trạng viêm khớp. Khi khớp bị viêm, lượng máu đến các cơ và khớp giảm. Máu không chảy đến khớp sẽ gây ra tình trạng giãn tĩnh mạch, ảnh hưởng đến khả năng vận động của người bệnh. Quần áo bó, hoặc tất bó sẽ có tác dụng nén ép, làm tăng lượng máu đến khớp, từ đó thúc đẩy quá trình chữa lành, giảm sưng. Tình trạng viêm giảm cũng có nghĩa là các cơn đau sẽ giảm.
Dùng thuốc chống viên không steroid (NSAID)
Các loại thuốc chống viêm không steroid (NSAID) như naproxen hoặc ibuprofen rất hữu ích để kiểm soát, điều trị viêm khớp. Tuy nhiên, cần hỏi ý kiến bác sĩ về liệu lượng phù hợp. Có những người phải dùng liều duy trì (liều nhỏ, dùng thường xuyên) để kiểm soát các cơn viêm khớp. Một số khác được kê sử dụng loại thuốc này vài lần một ngày trong 3-4 tuần. NSAID nên được uống trong khi ăn để để giảm nguy cơ gây khó chịu cho dạ dày.
Cân nhắc tiêm steroid
Đối với các trường hợp viêm khớp nặng, cơn đau tăng và khớp bị sưng, một mũi tiêm steroid có thể giảm đau nhanh chóng. Mỗi mũi tiêm có tác dụng trong vài tuần hoặc vài tháng, hoặc kéo dài suốt mùa đông. Sau khi tiêm, người bệnh có thể trở lại với các hoạt động bình thường từ làm việc nhà đến tập luyện thể thao. Việc tiêm steroid có thể thực hiện từ 3 đến 4 lần mỗi năm.
Bổ sung vitamin D
Một số nghiên cứu khoa học cho thấy, bổ sung vitamin D giúp cải thiện tình trạng đau ở những bệnh nhân viêm khớp. Vào mùa đông, việc tổng hợp vitamin D từ ánh sáng mặt trời kém hơn do thời gian ban ngày ngắn, nguy cơ thiếu vitamin D sẽ tăng lên. Bạn nên tham khảo ý kiến của bác sĩ về việc bổ sung vitamin D để đảm bảo có đủ 600-800 IU mỗi ngày tùy theo độ tuổi.
Cẩn thận khi đi lại
Viêm khớp ảnh hưởng đến việc đi lại, di chuyển và giữ thăng bằng. Một số nghiên cứu khoa học chỉ ra rằng, những người bị viêm khớp gối và hông có khả năng bị ngã cao hơn 50% so với những người không bị. Thời tiết mưa, lạnh vào mùa đông cũng dễ gây trượt, ngã. Bệnh nhân nên đi các loại giày chống trơn tốt, tránh các khu vực ướt nước, thiếu ánh sáng, đồng thời kết hợp tập các bài tập để gia tăng khả năng thăng bằng.
Sử dụng liệu pháp nhiệt
Khi thời tiết lạnh, các cơ bị căng và cứng hơn. Do cơ giúp các khớp chuyển động, vì vậy, chúng có thể khiến các khớp bị căng và đau. Liệu pháp nhiệt sẽ thả lỏng các cơ, giảm đau và giúp các chuyển động dễ dàng hơn. Bạn có thể tắm nước ấm hoặc đặt một miếng dán nóng lên vị trí cơ bị đau trong 20 phút để thả lỏng các cơ hiệu quả.
Thảo Miên