ThS.BS.CKII Lê Thanh Quỳnh Ngân (Trưởng khoa Nội tiêu hóa, Trung tâm Nội soi và Phẫu thuật nội soi tiêu hóa, Bệnh viện Đa khoa Tâm Anh TP HCM) cho biết, viêm gan B là một trong những bệnh lý về gan phổ biến đứng đầu trên thế giới, cứ 3 người mắc bệnh gan sẽ có một người nhiễm siêu vi viêm gan B. Hiện nay vẫn chưa có phương pháp trị khỏi hoàn toàn bệnh này. Tuy nhiên, bệnh có thể được kiểm soát tốt thông qua một chế độ dinh dưỡng hợp lý.
Những thực phẩm nên ăn
Nhóm protein dễ chuyển hóa là một trong những thực phẩm tốt nhất cho người bị viêm gan B. Nhóm thực phẩm này có lượng đạm lớn, giúp người bệnh dễ dàng chuyển hóa thức ăn và các dinh dưỡng. Hơn nữa, đạm còn đóng vai trò quan trọng trong việc giúp gan tái tạo tế bào, chống ngộ độc. Một số thực phẩm thuộc nhóm protein dễ chuyển hóa như cá, bò, heo, gà, đậu hũ, trứng, sữa... Người bệnh nên lưu ý chọn thịt nạc, ít mỡ để gan hoạt động tốt hơn.
Nhóm tinh bột và đường bao gồm gạo, bánh mì, thực phẩm làm từ bột mì, mật ong, trái cây... Gan bị tổn thương do virus viêm gan B làm cơ thể mất đi một lượng glycogen nhất định. Do đó, người bệnh cần tăng cường glycogen thông qua chất glucid có trong tinh bột và đường.
Nhóm vitamin và khoáng chất giúp gan thải độc, thúc đẩy quá trình làm lành tổn thương gan, chống oxy hóa và tăng sức đề kháng cho người bệnh. Trái cây và các loại rau củ như bắp cải, cà rốt và các loại rau xanh màu sẫm là nguồn cung cấp vitamin và khoáng chất dồi dào.
Những thực phẩm nên hạn chế
Nội tạng đứng đầu trong danh sách các loại thực phẩm người bệnh viêm gan B không nên ăn. Lượng cholesterol cao trong nội tạng động vật có thể làm phát sinh các vấn đề tiêu hóa, chuyển hóa chất, gây hại cho quá trình thải độc tố trong cơ thể và bài tiết mật trong gan.
Tôm hoặc các món ăn có thành phần chính là tôm là thực phẩm mà người bệnh viêm gan B cần hạn chế ăn. Đây là thực phẩm có lượng đạm và cholesterol cao. Khi cơ thể tiếp nhận lượng lớn đạm và cholesterol cùng một lúc buộc gan phải làm việc nhiều hơn để hoàn thành quá trình chuyển hóa chất. Quá trình này làm tăng áp lực, ảnh hưởng tiêu cực đến sức khỏe và chức năng của gan.
Măng có thể ảnh hưởng xấu đến quá trình chuyển hóa tại gan vì chứa nhiều chất cyanide, khi gặp enzyme sẽ chuyển hóa thành HCN - một loại chất cực độc với cơ thể và nhất là gan.
Các món cay nóng làm chậm quá trình chữa lành và phục hồi chức năng gan, ảnh hưởng đến quá trình thải độc gan. Một số gia vị cay nóng mà người viêm gan B nên tránh như tiêu, ớt, mù tạt, riềng...
Thức ăn chế biến sẵn, đồ đóng hộp không chỉ chứa nhiều chất bảo quản cao mà còn có nhiều gia vị như đường, muối và chất béo. Khi người bệnh tiêu thụ những thực phẩm này, gan phải làm việc nhiều hơn để chuyển hóa các chất trong thực phẩm.
Bia rượu và những thức uống có cồn chứa ethanol đều không được khuyên dùng ở người mắc bệnh viêm gan B. Khi ethanol đi vào cơ thể sẽ tự động chuyển hóa thành một loại chất có hại cho gan, gây viêm gan và thoái hóa mỡ. Đó là lý do vì sao một người bình thường uống quá nhiều bia rượu dễ gặp các vấn đề sức khỏe về gan. Trong khi, thói quen uống bia rượu ở người bị viêm gan B làm phát sinh thành các bệnh lý nguy hiểm như xơ gan, ung thư gan.
Bác sĩ Quỳnh Ngân chia sẻ thêm, bên cạnh lưu ý về chế độ dinh dưỡng, để kiểm soát tốt bệnh viêm gan B, người bệnh còn cần thực hiện lối sống lành mạnh như tập thể dục đều đặn, nghỉ ngơi đầy đủ, tuân thủ chỉ định của bác sĩ, thăm khám định kỳ...
Phi Hồng