BS.CKI Hoàng Đình Thành, Trung tâm Nội soi và Phẫu thuật nội soi tiêu hóa, Bệnh viện Đa khoa Tâm Anh TP HCM, cho biết, viêm gan B là bệnh nhiễm trùng gan phổ biến nhất thế giới. Ở giai đoạn mạn tính, tình trạng này có thể dẫn đến nhiều vấn đề sức khỏe nghiêm trọng như xơ gan, suy gan, ung thư gan. Viêm gan B được phân thành hai loại là viêm gan B cấp tính và viêm gan B mạn tính.
Viêm gan B cấp tính
Viêm gan B cấp tính là tình trạng nhiễm trùng ngắn hạn, kéo dài trong vòng 6 tháng kể từ khi người bệnh tiếp xúc với HBV. Đa phần người bị viêm gan B cấp tính không có triệu chứng hoặc chỉ bị nhẹ nhưng cũng có trường hợp trở nên nghiêm trọng khiến phải nhập viện.
Theo bác sĩ Thành, nhiều người mắc viêm gan B cấp, nhất là những người bị nhiễm bệnh ở độ tuổi trưởng thành, có thể tự đào thải virus ra khỏi cơ thể nhờ hoạt động của hệ miễn dịch và bình phục hoàn toàn sau vài tháng mà không để lại bất cứ di chứng nào. Ngược lại, nếu hệ miễn dịch không thể loại bỏ được virus, viêm gan B cấp sẽ tiến triển sang dạng mạn tính.
Viêm gan B mạn tính
Viêm gan B mạn tính là tình trạng nhiễm trùng gan kéo dài từ 6 tháng trở lên. Virus HBV không bị loại bỏ và tiếp tục tồn tại một cách âm thầm trong máu và gan của người bệnh. Theo thời gian, viêm gan mạn tính có thể gây ra các vấn đề sức khỏe nghiêm trọng, bao gồm tổn thương viêm gan, suy gan, xơ gan, ung thư gan và thậm chí tử vong.
Bác sĩ Thành cho biết, khả năng viêm gan B tiến triển thành mạn tính phụ thuộc vào độ tuổi của người nhiễm bệnh. Người nhiễm có độ tuổi càng trẻ thì khả năng viêm gan phát triển thành mạn tính càng cao.
Dấu hiệu nhận biết
Triệu chứng viêm gan B cấp tính
Bác sĩ Thành chia sẻ thêm, hầu hết trẻ em dưới 5 tuổi hoặc người bị suy giảm hệ thống miễn dịch khi mắc viêm gan B cấp tính không biểu hiện triệu chứng rõ ràng. Với đối tượng còn lại (trẻ lớn hơn, thanh thiếu niên và người trưởng thành), có khoảng 30-50% sẽ có các dấu hiệu và triệu chứng ban đầu, bao gồm sốt, mệt mỏi, chán ăn, ăn mất ngon, buồn nôn và nôn, đau bụng, nước tiểu đậm màu, phân nhạt màu, đau khớp, vàng da.
Các triệu chứng nhiễm trùng cấp tính xuất hiện khoảng 60-150 ngày sau khi tiếp xúc với virus và kéo dài từ vài tuần đến 6 tháng. Các triệu chứng thường nặng hơn ở những người bệnh trên 60 tuổi.
Triệu chứng viêm gan B mạn tính
Hầu hết những người bị viêm gan B mạn tính không có bất kỳ triệu chứng nào trong nhiều năm. Nếu có xuất hiện triệu chứng, chúng sẽ tương tự như các triệu chứng của nhiễm trùng cấp tính.
"Trường hợp người bệnh đã mắc viêm gan B trong thời gian dài mới biểu hiện triệu chứng thì khả năng cao đó là triệu chứng của các biến chứng nguy hiểm của viêm gan B như xơ gan hoặc ung thư gan, chứ không chỉ đơn thuần là viêm gan", bác sĩ Thành nói.
Bác sĩ Thành cho biết, các con đường lây nhiễm chính của virus này tương tự virus HIV, tuy nhiên khả năng lây nhiễm của HBV cao hơn 100 lần so với HIV. Virus viêm gan B dễ dàng lây lan qua đường máu, từ mẹ sang con, lây truyền qua đường tình dục.
Viêm gan B khi bước vào giai đoạn mạn tính có thể dẫn đến các biến chứng như:
Xơ gan: viêm gan B kéo dài có thể hình thành các mô sẹo ở gan, gây xơ gan và làm suy giảm khả năng hoạt động của gan.
Ung thư gan: những người bị nhiễm viêm gan B mạn tính có nguy cơ ung thư gan cao hơn những người không mắc bệnh.
Suy gan: viêm gan siêu vi B là một trong những nguyên nhân của tình trạng suy gan cấp tính, tức các tế bào gan bị tổn thương một cách ồ ạt và làm tăng đáng kế nguy cơ tử vong. Người bị suy gan cấp tính có thể phải cần ghép gan để điều trị.
Các vấn đề sức khỏe khác: những người bị viêm gan B mạn tính có thể phát triển bệnh thận hoặc viêm mạch máu.
Độ tuổi phổ biến mắc viêm gan B
Viêm gan B là loại viêm gan siêu vi thường gặp nhất trên thế giới. Theo thống kê từ tổ chức Hepatitis B Foundation, toàn cầu có khoảng 2 tỷ người đã và đang bị nhiễm virus viêm gan B (nghĩa là cứ ba người thì có một người nhiễm loại virus này), gần 300 triệu người mắc bệnh mạn tính và 15 triệu người bị nhiễm mới mỗi năm.
Việt Nam là một trong các quốc gia có tỷ lệ nhiễm virus viêm gan B cao trên thế giới. Theo thống kê của Cục Y tế dự phòng (Bộ Y tế), nước ta hiện có khoảng 10 triệu người mắc viêm gan B, trong đó, phần lớn người bệnh mắc viêm gan ở dạng mạn tính. Nhiều người bị viêm gan không biết bản thân mắc bệnh.
Bất kỳ ai cũng có thể mắc bệnh viêm gan B. Tuy nhiên, những đối tượng có nguy cơ mắc bệnh cao hơn như: trẻ sơ sinh có mẹ bị nhiễm bệnh, những người tiêm chích ma túy, người có quan hệ tình dục với bệnh nhân viêm gan B, những người sống chung với người bị viêm gan B...
Thai phụ bị viêm gan B có thể truyền bệnh cho con khi sinh. Bác sĩ Thành khuyên phụ nữ đang mang thai hoặc có kế hoạch mang thai cần đến các cơ sở y tế uy tín để tiến hành xét nghiệm viêm gan B. Nếu bị nhiễm HBV, thai phụ sẽ được theo dõi chặt chẽ trong suốt quá trình mang thai và có thể cần điều trị trong 3 tháng cuối thai kỳ khi tải lượng virus trong cơ thể người mẹ ở mức cao.
Trong hầu hết trường hợp, có thể ngăn ngừa tình trạng lây nhiễm virus từ mẹ mắc bệnh sang con bằng cách tiêm kết hợp globulin miễn dịch viêm gan B (được gọi là HBIG) và vaccine viêm gan B cho trẻ trong vòng 12-24 giờ sau sinh.
Theo bác sĩ Thành, gần như tất cả trẻ sơ sinh bị nhiễm virus viêm gan B đều phát triển thành viêm gan mạn tính. Chính vì lý do này, tiêm phòng viêm gan B được khuyến khích cho tất cả trẻ sơ sinh để bảo vệ các bé khỏi căn bệnh này.
Cách tốt nhất để ngăn ngừa viêm gan B là tiêm phòng, bên cạnh đó, cần hạn chế các cách có thể làm lây truyền virus viêm gan B.
Thùy Dung