Theo công bố của Tổ chức Y tế thế giới, có khoảng 1/3 dân số toàn cầu, tức trên 2 tỷ người nhiễm virus viêm gan B và khoảng 350 triệu người trong số đó mang virus mạn tính. Tỷ lệ nhiễm viêm gan virus B được chia thành 3 vùng dịch tễ gồm tỷ lệ nhiễm thấp dưới 2%, nhiễm trung bình từ 2-8% và nhiễm cao trên 8%.
Bác sĩ, Tiến sĩ Vũ Trường Khanh, Trưởng khoa Tiêu hóa - Gan mật - Tụy, Bệnh viện Đa khoa Tâm Anh Hà Nội, cho biết Việt Nam nằm trong vùng dịch tễ nhiễm virus viêm gan B cao với hơn 8% dân số bị nhiễm, có vùng đến 20%. Nhiễm viêm gan virus B có thể dẫn tới xơ gan và ung thư gan. Năm 2020, Globocan công bố ung thư gan chiếm tỷ lệ cao nhất (14,5%) trong 5 loại ung thư phổ biến tại Việt Nam. Theo số liệu ước tính đến năm 2025 của đơn vị nghiên cứu lâm sàng Đại học Oxford, Bệnh viện Bệnh nhiệt đới TP HCM, ở nước ta, viêm gan virus B mạn tính gây ra 58.650 ca xơ gan, 25.000 ca ung thư gan và gây tử vong 40.000 người.
"Viêm gan B được xem là 'sát thủ thầm lặng'. Nó có thể gây biến chứng xơ gan, nhất là viêm gan virus B lây truyền từ mẹ có thể làm xuất hiện ung thư gan khi rất trẻ, ở độ tuổi 20-30 tuổi", Tiến sĩ Khanh nói.
Người nhiễm virus viêm gan B mạn tính có nguy cơ cao ung thư gan như: tải lượng HBV DNA lớn hơn 104 copies/ml; người đã bị xơ gan; nam giới, người trên 35 tuổi có tiền sử người trong gia đình xơ gan hoặc ung thư gan; người thường xuyên uống bia rượu.
Viêm gan virus B có thể phát hiện qua xét nghiệm máu hay khám sức khỏe định kỳ. Người có viêm gan virus B mạn tính dù có chỉ định điều trị hay không cũng nên thăm khám định kỳ. Người bệnh viêm gan virus B mạn tính đang dùng thuốc mặc dù virus không phát hiện nhân lên trong máu vẫn cần tầm soát ung thư gan 6 tháng một lần. Điều trị viêm gan B giúp kiểm soát không để virus phát triển gây biến chứng xơ gan, ung thư gan. Bệnh nhân cần điều trị suốt đời, tái khám và theo dõi theo chỉ định của bác sĩ.
Ung thư gan thường có ít triệu chứng trong giai đoạn đầu của bệnh. Khi có biểu hiện như vàng da, đau tức vùng hạ sườn, chướng bụng... là lúc bệnh ở giai đoạn muộn. Ung thư gan có thể gây ra những triệu chứng đầu tiên như tắc nghẽn ống mật, thiếu máu hoặc chảy máu. Có nhiều dấu hiệu cảnh báo khác không đặc hiệu như sụt cân và mệt mỏi. Vì không có xét nghiệm tầm soát ung thư gan nên người bệnh cần nhận biết các triệu chứng sớm để có hướng điều trị kịp thời. Người bệnh chủ quan, phát hiện muộn dẫn đến tỷ lệ tử vong cao.
Tiến sĩ Khanh khuyên người nhiễm virus viêm gan B mạn tính nên ăn các loại thực phẩm giàu đạm như: thịt, cá, trứng, sữa, các loại đậu... Khi nấu xong nên ăn ngay, không để lâu hoặc nấu đi nấu lại. Thực phẩm giàu vitamin như rau xanh và trái cây tươi cũng giúp cung cấp vitamin và chất xơ để hệ tiêu hóa tốt, tăng sức đề kháng giúp phục hồi tổn thương gan. Chia nhỏ bữa ăn thành 4-5 lần trong ngày cũng tốt hơn cho tiêu hóa và việc hấp thu dinh dưỡng.
Người bệnh viêm gan B mạn tính nên hạn chế ăn các loại thức ăn có nhiều dầu, mỡ, các món nướng, chiên, rán, gia vị cay, các món gỏi, không nên ăn cá biển (chứa chất làm đông máu) như cá thu, cá ngừ để tránh gây áp lực cho gan. Đối tượng này nên tuyệt đối không sử dụng rượu, bia và chất kích thích có thể gây suy giảm chức năng gan; hạn chế sử dụng các thực phẩm đóng hộp và chế biến sẵn.
Thanh Ba