Anh Trần Hoàng Thắng (34 tuổi, ngụ quận Long Biên) bị ngã, đập vai xuống đất, dẫn đến tình trạng khớp vai sưng đau và không thể cử động sau một pha tranh chấp khi chơi bóng đá. Đến khám tại Trung tâm Chấn thương Chỉnh hình, Bệnh viện Đa khoa Tâm Anh Hà Nội, ThS.BSNT Vũ Trung Hiếu nhận định người bệnh bị trật khớp vai kèm vỡ xương ở bờ trước dưới ổ chảo, làm tăng nguy cơ phát triển chứng trật khớp vai tái hồi.
Khi được chỉ định phẫu thuật, anh Hoàng Thắng bày tỏ bất ngờ vì không nghĩ chỉ một chấn thương thể thao thường gặp như thế phải mổ. Bác sĩ Trung Hiếu giải thích, rất nhiều người cũng có suy nghĩ như trên và chủ quan với trật khớp vai, dẫn đến sai lầm hoặc chậm trễ trong điều trị. Một khi trật khớp vai đã xảy ra nhiều lần, việc điều trị sẽ khó khăn hơn nhiều.
Anh Hoàng Thắng được phẫu thuật làm vững khớp vai bằng kỹ thuật Latarjet qua một đường mổ nhỏ ở rãnh delta ngực. Kỹ thuật này giúp tỷ lệ trật khớp tái phát thấp nhất, cũng như thời gian có thể quay trở lại hoạt động thể thao ngắn nhất là trung bình 6 tháng. 12 tiếng sau mổ, người bệnh đã có thể xoay mở vai và xuất viện.
Theo ThS.BS Nguyễn Quang Tôn Quyền, phó khoa Chấn thương Chỉnh hình, cấu tạo khớp vai thường được ví như hình ảnh của quả bóng golf nằm trên tee phát bóng. Cấu tạo giải phẫu này cho phép khớp vai đạt được biên độ vận động rất lớn, nhưng đồng thời cũng có nguy cơ mất vững cao.
Trật khớp vai thường xảy ra do những va chạm mạnh khi chơi thể thao, hoặc té ngã do tai nạn. Lực chấn thương mạnh có thể làm tổn thương sụn viền ổ chảo, hệ thống dây chằng, bao khớp, thậm chí làm vỡ ổ chảo xương cánh tay hoặc lún xương ở chỏm xương cánh tay. Tất cả những tổn thương này sẽ làm tăng nguy cơ tái phát trật khớp.
Biến chứng thường gặp nhất của trật khớp vai là trật khớp tái diễn, xảy ra với tỷ lệ 50-90% ở người dưới 20 tuổi và xấp xỉ 5-10% ở người trên 40 tuổi trật khớp vai lần đầu. Vì vậy, kể cả khi đã nắn trật khớp thành công, bệnh nhân vẫn cần đến thăm khám với bác sĩ chỉnh hình trong vòng 10 ngày để được đưa ra hướng điều trị phù hợp nhằm giảm nguy cơ trật lại.
Một khi đã có tình trạng trật khớp vai tái diễn, lựa chọn điều trị sẽ phụ thuộc vào rất nhiều yếu tố: mức độ khuyết xương, tuổi, giới, tình trạng lỏng lẻo đa khớp, số lần trật, thời gian từ lần trật đầu tiên...
Ngoài phẫu thuật mở Latarjet, làm vững khớp vai cũng có thể được thực hiện hoàn toàn qua nội soi. Phẫu thuật nội soi tuy có chi phí điều trị cao, nhưng giúp mang lại hiệu quả thẩm mỹ cũng như giảm đau tốt hơn và vẫn đảm bảo tỷ lệ thành công tương đương phẫu thuật mở.
Làm gì khi bị trật khớp vai?
Trật khớp vai cần được nắn lại sớm nhất có thể. Trì hoãn nắn khớp sẽ làm co thắt cơ do đau và làm cho việc nắn khớp sau đó càng khó khăn hơn. Sau nắn trật khớp, bệnh nhân có thể:
Chườm lạnh nhiều lần trong ngày để giảm đau và sưng.
Cố định khớp vai: đeo đai cố định khớp vai trong khoảng 3 tuần ở tư thế tùy thuộc vào kiểu trật khớp (có thể rút ngắn thời gian bất động ở người lớn tuổi).
Phục hồi chức năng: việc tuân thủ một chương trình phục hồi chức năng phù hợp sẽ giúp giảm nguy cơ trật lại khớp. Tránh tuyệt đối động tác dạng vai và xoay ngoài trong 3 tuần đầu tiên vì động tác này làm tăng áp lực lên bao khớp trước.
Từ thời điểm 12 tuần có thể quay lại chơi thể thao nhưng vẫn cần tránh dạng và xoay ngoài quá mức cũng như những va chạm không đáng có và chỉ có thể vận động hoàn toàn không giới hạn từ tuần thứ 16.
Bác sĩ lưu ý, trật khớp vai tái diễn thường bắt đầu do không điều trị kịp thời và đúng cách ở lần trật khớp vai đầu tiên. Vì vậy, để tránh tổn thương nặng nề hơn, mất thêm chi phí và thời gian điều trị, người bệnh không nên chủ quan mà hãy đến bệnh viện để được bác sĩ thăm khám khi bị trật khớp vai.
Phi Hồng
* Tên người bệnh đã được thay đổi.