Người phụ nữ 56 tuổi, ở Hà Nội, cho biết bị đau vai trái khoảng một tháng nay. Ban đầu, bà chỉ bị ê ẩm ở vùng đầu vai nên không đi khám, cho rằng cơn ê ẩm sẽ tự khỏi. 3 tuần trở lại đây, gia đình chuẩn bị cho Tết nguyên đán, bắt đầu dọn dẹp nhà cửa, bà phải làm việc nhiều hơn nhưng tay trái đau nên không thể làm việc nhiều. Gia đình khuyên đi tiêm thuốc để điều trị, song chỉ được vài ngày, cơn đau trở lại. Bà đi khám thì được chẩn đoán viêm gân cơ trên gai, thoái hóa cột sống cổ nên chèn ép dây thần kinh cánh tay.
Còn Minh Hoàng, 35 tuổi (Hà Nội), kể cách đây hai tuần, gia đình muốn tự sửa lại bậc tam cấp và các mảng tường nhà bị vỡ, nứt trước năm mới. Vì vậy, anh tự mua một bao tải xi măng 50 kg, cố gắng bê vào nhà. Do không quen bê vác nặng, anh bị đau vai trái nên phải tránh vận động mạnh một tuần. Khi ấn vào phần đầu vai, nằm xuống hoặc nhấc tay, Hoàng đều cảm thấy đau nhói, cơn đau không đỡ sau khi nghỉ ngơi. Qua thăm khám, bác sĩ chẩn đoán anh bị rách gân cơ trên gai, gân cơ nhị đầu dài.

Giơ tay lên cao khi vệ sinh nhà cửa có thể dẫn đến viêm gân cơ trên gai. Ảnh: Freepik
Bác sĩ Nguyễn Quang Tôn Quyền, Phó trưởng khoa Chấn thương Chỉnh hình, Bệnh viện Đa khoa Tâm Anh Hà Nội, cho biết gân cơ trên gai là một trong bốn cơ thuộc nhóm cơ chóp xoay, bao gồm cơ trên gai, cơ dưới gai, cơ dưới vai và cơ tròn bé. Ngoài chức năng vận động dạng, xoay vai, khi hoạt động phối hợp với nhau, các cơ này giữ cho chỏm xương cánh tay nằm cân bằng trên ổ chảo xương vai khi thực hiện các động tác cần đưa tay quá đầu.
Do đó, nhóm cơ trên gai chịu lực tải lớn nhất, dễ bị tổn thương nhất trong các cơ chóp xoay. Chấn thương cơ trên gai thường gặp với những người thường xuyên lao động nặng, phải thực hiện động tác vung tay qua đầu, như hai bệnh nhân nói trên. Ngoài ra, những người chơi thể thao như bơi lội, bóng chuyền, cầu lông, bắn cung... cũng hay bị chấn thương này. Lý do là những người này phải thực hiện động tác mạnh nhiều lần hoặc gặp chấn thương khi đang chơi, khiến cơ trên gai bị quá tải gây rách, đứt gân cơ.
Dấu hiệu đặc trưng là các cơn đau khi phải cử động vai, thực hiện các động tác giang tay, đưa tay ra trước hoặc lên cao như mặc quần áo, chải tóc, lấy đồ vật ở trên cao... Mọi người thường bị đau nhiều hơn về đêm, khi nằm nghiêng về phía vai đau. Theo thời gian, cơn đau có thể lan xuống cánh tay và gây biến chứng như đông cứng khớp vai và rách chóp xoay. Biến chứng gây giảm vận động, viêm dính khớp vai, tạo thành vòng xoay bệnh lý, khó điều trị.

Bác sĩ Tôn Quyền (giữa) trong một ca phẫu thuật điều trị bệnh lý về cơ xương khớp. Ảnh: BVĐK Tâm Anh
Bác sĩ Tôn Quyền cho biết, viêm gân cơ trên gai có thể điều trị khỏi hoàn toàn bằng phác đồ kết hợp giữa tập phục hồi chức năng và các biện pháp chăm sóc tại nhà. Nếu bị đau vai với các dấu hiệu đặc trưng nói trên, cơn đau kéo dài, mọi người nên đến gặp bác sĩ để được chẩn đoán và điều trị đúng cách.
Trong quá trình điều trị, người bệnh cần nghỉ ngơi đầy đủ, tránh các hoạt động và tư thế gây đau vai, chườm lạnh để giảm đau nhức, mát xa thư giãn vùng vai và cánh tay... Nếu cần thiết, người bệnh có thể sử dụng các loại thuốc giảm đau kháng viêm NSAID.
Sau vài tuần điều trị bảo tồn không hiệu quả hoặc cơn đau trở nên nghiêm trọng hơn, cản trở tập luyện và sinh hoạt hàng ngày, bác sĩ có thể chỉ định tiêm glucocorticoid giảm đau và khôi phục khả năng vận động. Ngoài ra, người bệnh sẽ được chỉ định phẫu thuật nếu bệnh ảnh hưởng đến các hoạt động hàng ngày, chức năng vận động ngày càng suy giảm, cơn đau kéo dài dai dẳng...
Trong quá trình dọn dẹp nhà cửa đón Tết, nếu không chú ý rất dễ xảy ra tình trạng viêm gân cơ trên gai. Vì vậy, để ngăn ngừa tổn thương này, bác sĩ khuyến cáo mọi người cần chú ý không vận động quá sức, nghỉ ngơi giữa các lần dọn dẹp hoặc ngay khi cảm thấy mỏi. Ngoài ra, nên sử dụng thuốc chống thoái hóa được bác sĩ chỉ định nếu có. Việc này giúp ngăn chặn quá trình thoái hóa của gai xương. Bên cạnh đó cần duy trì chế độ dinh dưỡng đủ chất, bổ sung canxi, thăm khám khi cần thiết.
* Tên bệnh nhân đã được thay đổi.
Phi Hồng - Chi Lê