Theo nghiên cứu của Thụy Điển, chế độ ăn giàu chất béo bão hòa có trong sữa và các sản phẩm từ sữa (bơ, sữa chua, kem, pho mát...) có thể chống lại bệnh tiểu đường tuýp hai. Ngược lại, chế độ ăn giàu chất béo bão hòa từ thịt lại làm tăng nguy cơ phát triển căn bệnh này.
Trong suốt 8 năm, các nhà nghiên cứu thuộc Tổ chức Hành động vì sức khỏe phụ nữ Mỹ (The Women's Health Initiative) đã đo lượng tiêu thụ sữa và các sản phẩm từ sữa của 82.000 phụ nữ mãn kinh và được chẩn đoán chưa mắc bệnh tiểu đường khi tham gia nghiên cứu. Sau thời gian theo dõi, phụ nữ sau mãn kinh, nhất là người béo phì, có chế độ ăn nhiều sản phẩm từ sữa ít béo giảm nguy cơ mắc bệnh tiểu đường.
Một nghiên cứu khác của Đại học Quốc gia Singapore (Singapore) cho thấy thanh thiếu niên tiêu thụ lượng sữa cao hơn; ít dùng đồ uống có đường, thịt đỏ, thịt chế biến sẵn và chất béo chuyển hóa có tỷ lệ mắc bệnh tiểu đường thấp hơn khi trưởng thành.
Những nghiên cứu trên cho thấy, không phải chất béo nào cũng có hại cho sức khỏe, kể cả chất béo có trong sữa. Chất béo bão hòa từ sữa có thể giảm nguy cơ mắc bệnh tiểu đường. Tuy nhiên, người bệnh tiểu đường cần kiểm soát lượng carbohydrate tiêu thụ để tránh tăng đường huyết vì tất cả các loại sữa bò đều chứa carbohydrate ở dạng đường lactose - một loại đường tự nhiên cung cấp năng lượng cho cơ thể. Hiệp hội Đái tháo đường Mỹ khuyến nghị để có mức đường huyết khỏe mạnh, người mắc căn bệnh này hoặc người không dung nạp lactose nên chọn sữa tách béo hoặc sữa ít béo, ít calo.
Hầu hết các sản phẩm từ sữa (sữa chua, pho mát, kem...) đều chứa carbohydrate. Mọi người nên đọc kỹ thành phần dinh dưỡng để biết khẩu phần và số lượng carbohydrate, tránh tiêu thụ nhiều hơn lượng cho phép. Lượng carbohydrate trong một bữa ăn cho người tiểu đường từ 15-30 g. Một cốc sữa bò khoảng 230 g cung cấp 12 g carbohydrate, gần bằng lượng carb tối thiểu cần tiêu thụ.
Khẩu phần ăn carbohydrate từ sữa điển hình cho người tiểu đường gồm một cốc sữa bò 230 g và 170 g sữa chua. Lượng carbohydrate trong khẩu phần ăn này tương đương một miếng trái cây nhỏ hoặc một lát bánh mì. Nếu muốn giảm lượng carbohydrate nhiều hơn trong chế độ ăn, người bệnh có thể chọn sữa hạt không đường từ hạnh nhân, hạt lanh. Đây là hai loại sữa có lượng carbohydrate gần như bằng không (một cốc 230 g sữa chỉ có hơn 1 g carbohydrate).
Theo Hiệp hội Đái tháo đường Mỹ, người tiểu đường có thể chọn tiêu thụ sữa 1% hoặc không chất béo bất cứ khi nào có thể hoặc khi cần bổ sung ít carbohydrate vào khẩu phần ăn hàng ngày. Người không dung nạp lactose, có thể chọn sữa từ gạo, hạnh nhân, đậu nành, hạt lanh, dừa, hạt điều... nhưng không thêm đường.
Người bệnh có thể duy trì chế độ ăn uống đa dạng và bổ dưỡng mà không cần bổ sung sữa. Tuy nhiên, sữa cũng là nguồn cung cấp canxi, vitamin D và protein cho dinh dưỡng hàng ngày. Nếu bạn không muốn thêm sữa vào chế độ ăn uống thì nên tìm các nguồn canxi khác thay thế. Ngoài sữa, người bệnh có thể tiêu thụ thêm đồ uống ít calo, ít carbohydrate trong các bữa ăn hàng ngày như cà phê, trà không đường, nước có hương vị,... để làm phong phú khẩu phần ăn, tránh sự nhàm chán.
Mai Cát
(Theo Medical News Today)