BS.CKII Ngô Trường Sơn, Phó trưởng khoa Ung bướu, Bệnh viện Đa khoa Tâm Anh Hà Nội, cho biết ung thư xương giai đoạn cuối là tình trạng khối u nguyên phát (tế bào ung thư xuất phát trực tiếp từ xương) đã lan sang các xương lân cận, di căn đến não, phổi và nhiều cơ quan khác trong cơ thể. Bệnh này rất nguy hiểm, có tỷ lệ tử vong cao, khả năng kéo dài sự sống thấp.
Triệu chứng điển hình là suy nhược cơ thể, kiệt sức, đau nhức, khó di chuyển, mất cơ, sốt, khó ăn, nhịp thở chậm lại, da chuyển màu hơi xanh, sẫm, nhất là bàn tay, bàn chân, mất kiểm soát ruột và bàng quang.
Ung thư xương giai đoạn cuối được phân loại thành ba giai đoạn là giai đoạn tại chỗ, tại vùng và di căn. Ở giai đoạn tại chỗ, tế bào ác tính không có dấu hiệu lan ra khỏi vị trí xương tổn thương ban đầu.
Đến giai đoạn tại vùng, ung thư đã lan đến các hạch bạch huyết lân cận hoặc phát triển bên ngoài xương ban đầu và xâm nhập vào các xương, cấu trúc lân cận khác trong cơ thể. Giai đoạn di căn, khối u đã lan đến các vùng xa hơn, bao gồm xương và các cơ quan không gần xương ban đầu.
Theo bác sĩ Trường Sơn, tỷ lệ sống thêm khi mắc ung thư xương giai đoạn cuối phụ thuộc vào từng loại khối u cụ thể như sau:
Loại Osteosarcoma (Sarcom xương) là loại ung thư xương phổ biến nhất, thường xuất hiện trong xương dài của chân và cánh tay, hiếm khi xảy ra bên ngoài xương. Tỷ lệ sống tương đối trong vòng 5 năm khi phát hiện ở giai đoạn tại chỗ, giai đoạn tại vùng và giai đoạn di căn lần lượt là 77%, 65%, 27%.
Loại Chondrosarcoma (Sarcoma sụn) là ung thư xuất phát ở xương hoặc mô gần xương, trong đó thường gặp nhất là vùng hông, xương chậu và vai. Tỷ lệ sống tương đối 5 năm ở giai đoạn tại chỗ, giai đoạn tại vùng và di căn giảm dần theo tỷ lệ tương ứng 91%, 75% và 33%.
Chordoma (u nguyên sống) là loại ung thư phát triển dọc theo cột sống hoặc nền sọ. Tỷ lệ sống 5 năm ở giai đoạn tại chỗ là 84%, giai đoạn tại vùng là 81% và đến khi di căn chỉ còn 55%.
Bác sĩ Trường Sơn cho biết tỷ lệ sống thêm 5 năm đối với ung thư xương giai đoạn cuối nêu trên chỉ tương đối. Tỷ lệ có thể thay đổi dựa trên mức độ lan rộng của khối u và một số yếu tố khác như độ tuổi, đời sống tình dục, trình trạng sức khỏe tổng thể, vị trí ung thư (chân, hông, cánh tay), phản ứng của ung thư với hóa trị hoặc các phương pháp điều trị khác.
Một số trường hợp ung thư xương giai đoạn muộn vẫn có thể được chữa khỏi nhưng phải áp dụng các phương pháp điều trị tích cực. Tỷ lệ thành công phần lớn phụ thuộc vào khả năng loại bỏ khối u ác tính. Thông thường, hóa trị liệu được ưu tiên thực hiện trước phẫu thuật để thu nhỏ kích thước khối u. Tuy nhiên, nếu quá trình cắt bỏ không khả thi, bác sĩ có thể chỉ định xạ trị để kiểm soát cơn đau tạm thời.
Người bệnh bị ung thư xương giai đoạn cuối, nếu cơn đau dữ dội khó kiểm soát, không thể dùng thuốc theo đơn, có triệu chứng kích động, khó thở, thay đổi đột ngột ý thức, phản ứng kém, lú lẫn, động kinh... cần liên hệ ngay với bác sĩ để cấp cứu kịp thời.
So với ung thư xương giai đoạn sớm, tỷ lệ điều trị thành công ở giai đoạn muộn giảm đáng kể, đồng nghĩa với khả năng tử vong cao hơn. Do đó, ngay khi nhận thấy những dấu hiệu bất thường, người bệnh nên đến bác sĩ để được chẩn đoán và điều trị sớm.
Lê Thùy
Độc giả gửi câu hỏi về bệnh cơ xương khớp tại đây để bác sĩ giải đáp |