Không khí lạnh tiếp tục bao phủ Bắc Bộ trong những ngày tới, theo Trung tâm Dự báo khí tượng thủy văn quốc gia. Trong thời tiết này, người mắc bệnh xương khớp như thoái hóa, viêm khớp... thường cảm thấy đau nhức nhiều hơn.
ThS.BS.CKI Đinh Phạm Thị Thúy Vân, Trung tâm Chấn thương Chỉnh hình, Bệnh viện Đa khoa Tâm Anh TP HCM, cho biết đau nhức xương khớp khi trời trở lạnh xảy ra có thể do nhiều nguyên nhân như lưu thông máu kém. Cơ thể tăng lượng máu đến các cơ quan như tim, phổi, hệ tiêu hóa..., làm giảm lưu lượng máu đến chân, đầu gối, cánh tay, vai và các khớp khác. Hậu quả là lưu thông dịch khớp và máu nuôi dưỡng các khớp giảm, các màng hoạt dịch, sụn khớp bị tổn thương gây đau nhức.
Một số nguyên nhân khác như rối loạn tuần hoàn, co rút gân khớp, dịch khớp trở nên kém linh hoạt hơn... cũng có thể dẫn đến khô cứng khớp, hạn chế vận động và gây đau nhức khi trời trở lạnh.
Để giảm đau nhức xương khớp khi trời lạnh, bác sĩ Vân khuyến cáo người bệnh có những thói quen tốt dưới đây.
Giữ ấm cơ thể, nhất là vùng dễ bị ảnh hưởng bởi thời tiết như khớp bàn tay, bàn chân và đầu gối... Nếu cần thiết, người bệnh có thể chườm ấm hoặc xoa bóp. Những phương pháp này có tác dụng thúc đẩy máu lưu thông tốt hơn, từ đó giảm đau nhức, tê cứng khớp. Tuy nhiên, không nên chườm hay xoa dầu nóng nếu các khớp đang sưng viêm.
Tập thể dục: Đau nhức xương khớp có thể làm người bệnh ngại vận động, nhưng nằm hoặc ngồi quá lâu khiến tình trạng tê cứng khớp nghiêm trọng hơn. Do đó, người bệnh nên có chế độ tập luyện nhẹ nhàng và hợp lý.
Vận động giúp lưu thông máu và khí huyết tốt hơn, tăng cường cung cấp máu nuôi dưỡng khớp và dịch bôi trơn khớp. Một số môn thể thao phù hợp như yoga, thái cực quyền, dưỡng sinh, đi bộ, đạp xe...
Uống đủ nước: Mọi người thường uống ít nước hơn vào lúc trời lạnh, có thể dẫn đến thiếu nước và các chất điện giải như natri, canxi, kali, magie... Những chất này có tác dụng hỗ trợ hoạt động của cơ bắp và bôi trơn các khớp. Vì vậy, người bệnh nên uống đủ khoảng hai lít nước mỗi ngày dù không cảm thấy khát. Uống đủ nước còn giảm khô khớp, duy trì tính linh hoạt và giảm hao mòn khớp.
Hạn chế muối: Muối cung cấp natri chủ yếu cho cơ thể nhưng ăn quá nhiều muối có thể tăng đào thải canxi qua thận, giảm lượng canxi hấp thu. Kéo dài chế độ ăn này có thể làm mất khoáng chất của xương, dẫn đến bệnh loãng xương. Không chỉ gây đau nhức xương khớp nhiều hơn khi trời lạnh, bệnh còn làm tăng nguy cơ gãy xương. Người bệnh nên ăn dưới 300 mg muối mỗi ngày.
Tăng cường thực phẩm giàu omega 3: Axit béo omega 3 được chứng minh giảm viêm khớp, giảm đau và cứng khớp. Thực phẩm chứa omega 3 như cá thu, cá mòi, quả bơ, quả óc chó... Bên cạnh đó, người bệnh cũng nên bổ sung thực phẩm giàu vitamin và chất xơ, hạn chế các món nhiều dầu mỡ.
Khám sức khỏe: Người bệnh nên duy trì thói quen khám sức khỏe định kỳ, đến gặp bác sĩ ngay khi phát hiện bất thường hoặc đau nghiêm trọng hơn dù đã áp dụng các biện pháp chăm sóc tại nhà.
Phi Hồng
Độc giả đặt câu hỏi về bệnh cơ xương khớp tại đây để bác sĩ giải đáp |