Kết quả siêu âm nội soi, chụp MRI ổ bụng bệnh nhân cho thấy vị trí nhú vater (đoạn cuối cùng của ống mật và ống tụy đổ vào tá tràng) có khối u lồi vào lòng tá tràng. U kích thước khoảng 2x2 cm, bề mặt loét, chảy máu.
Ngày 27/9, bác sĩ Đào Trần Tiến, Phó khoa Tiêu hóa, Bệnh viện Đa khoa Tâm Anh Hà Nội, chẩn đoán u thần kinh nội tiết carcinoid tại bóng vater tá tràng, chưa xâm lấn đường mật, tụy, cần can thiệp sớm tránh biến chứng.
"U thần kinh nội tiết phần lớn gặp ở đường tiêu hóa như dạ dày, ruột non, đại tràng, trực tràng, ruột thừa, tuyến tụy, riêng ở bóng vater hiếm gặp", bác sĩ Tiến nói, thêm rằng đến nay trên thế giới chỉ có khoảng 150 trường hợp được báo cáo.
Tỷ lệ mắc bệnh khoảng 0,3-1% trong tổng số ca u thần kinh nội tiết tại đường tiêu hóa và dưới 2% trong số ca ung thư đường tiêu hóa nói chung. Tại Việt Nam, các nghiên cứu ghi nhận trường hợp tương tự khá hiếm.
Theo bác sĩ Tiến, khu vực bóng vater có cấu trúc giải phẫu phức tạp, nhiều mạch máu lớn. Nếu mổ mở tá tràng, bệnh nhân có khả năng bị biến chứng rò tụy, nhiễm trùng, vết mổ mở để lại sẹo, thời gian nằm viện và phục hồi lâu. Bệnh nhân được mổ cắt toàn bộ cơ quan tá - tụy có thể ảnh hưởng lâu dài đến sức khỏe, giảm chất lượng sống. Ê kíp quyết định nội soi mật tụy ngược dòng cắt u bóng vater, giúp bảo tồn ống tiêu hóa, giảm nguy cơ biến chứng.
Với sự hỗ trợ của màn huỳnh quang tăng sáng X-quang (C-Arm), bác sĩ cắt hoàn toàn khối u. Vị trí cắt được đóng kín bằng kẹp clip chuyên dụng, giúp vết thương liền nhanh, tránh biến chứng. Bác sĩ đặt stent mật, stent tụy đảm bảo tái lưu thông đường mật, dự phòng biến chứng phù nề, tắc mật thứ phát, viêm tụy cấp.
Hậu phẫu, bệnh nhân ổn định sức khỏe, ăn được thức ăn mềm, sinh hoạt bình thường, hai ngày sau xuất viện. Kết quả giải phẫu bệnh cho thấy khối u có mức độ biệt hóa cao (tức độ ác tính thấp), đã điều trị triệt căn. Người bệnh chỉ cần theo dõi và tái khám theo hẹn mà không phải điều trị bổ trợ hay hóa chất.
Bác sĩ Tiến cho biết thêm phần lớn u bóng vater là ác tính. Nếu không phát hiện và điều trị sớm, tế bào ung thư có thể di căn đến các cơ quan khác trong cơ thể, tiên lượng điều trị khó khăn. Ngoài ra, tổ chức ung thư có thể khiến bóng vater bị tắc, dịch mật và dịch tụy không thể đổ vào ruột non để tiêu hóa thức ăn, gây tắc mật, nhiễm trùng đường mật, viêm tụy cấp, viêm phúc mạc mật, tử vong.
U thần kinh nội tiết thường gặp ở người 50-60 tuổi, nữ mắc nhiều hơn nam. Hiện chưa rõ nguyên nhân gây bệnh. Các yếu tố làm tăng khả năng phát triển khối u, gồm người mắc đa u nội tiết loại một (MEN1), u xơ thần kinh loại một, hội chứng Von Hippel-Lindau (VHL).
U thần kinh nội tiết tại đường tiêu hóa tiến triển âm thầm, không có triệu chứng điển hình ở giai đoạn sớm. Ở giai đoạn muộn hơn, các triệu chứng lâm sàng bộc lộ khác nhau tùy vị trí khối u, dễ gây nhầm lẫn với nhiều bệnh tiêu hóa khác. Bệnh chỉ có thể điều trị triệt căn khi ở giai đoạn sớm.
Theo bác sĩ Tiến, khối u nguyên phát thường nhỏ nên chụp CT hoặc MRI chỉ có độ nhạy 33% trong chẩn đoán. Để đánh giá chi tiết đặc điểm hình thái của khối u, bác sĩ cần sự hỗ trợ của máy siêu âm nội soi, giúp phát hiện các tổn thương sâu dưới các lớp mỏng của thành ống tiêu hóa cũng như các thành phần hạch, mạch máu xung quanh. Từ đó đánh giá được hạch vùng và mức độ xâm lấn của tổn thương để đưa ra kế hoạch điều trị phù hợp.
Bác sĩ khuyên người có các biểu hiện bất thường như tiêu chảy, buồn nôn và nôn, đau bụng, da ửng đỏ, bí đại tiện, nên đi khám để có chẩn đoán sớm.
Trịnh Mai
* Tên nhân vật đã được thay đổi
Độc giả đặt câu hỏi về bệnh tiêu hóa tại đây để bác sĩ giải đáp |