Là nơi tập trung hơn 70% thành phần hệ miễn dịch nên đường tiêu hóa khỏe mạnh giúp hệ miễn dịch sẵn sàng kích hoạt bảo vệ cơ thể trước sự tấn công từ các tác nhân gây hại.
Bác sĩ, Tiến sĩ Vũ Trường Khanh, Trưởng khoa Tiêu hóa, Bệnh viện Đa khoa Tâm Anh Hà Nội, cho biết chế độ ăn thừa đạm so với khuyến nghị, ít chất xơ, lạm dụng nhiều đồ ăn nhanh, đồ ngọt, rượu bia và nước có ga, thức ăn chiên rán nhiều dầu mỡ... của nhiều người Việt ảnh hưởng tới sự cân bằng của hệ vi khuẩn đường ruột, gây hại hệ tiêu hóa. Theo thống kê của Viện Dinh dưỡng Quốc gia có khoảng 10% dân số Việt mắc các bệnh về đường tiêu hóa.
Tiến sĩ Khanh chia sẻ thêm, những biểu hiện thường gặp tưởng đơn giản ở đường tiêu hóa như tiêu chảy, táo bón, đầy bụng khó tiêu, ăn không ngon miệng,... nhưng nếu kéo dài, không được can thiệp có thể ảnh hưởng đến sức khỏe, giảm chất lượng sống của người bệnh. Trong một số trường hợp, các triệu chứng cơ bản lại là dấu hiệu cảnh báo bệnh lý nghiêm trọng khác ở đường tiêu hóa. Tuy nhiên, vì tâm lý chủ quan nên nhiều người bệnh bỏ lỡ "thời điểm vàng" để điều trị.
Dưới đây là một số triệu chứng cảnh báo vấn đề bất thường ở hệ tiêu hóa.
Chướng bụng, đầy hơi
Thông thường, thức ăn được phân hủy thành các chất dinh dưỡng và tiêu hóa ở ruột non, phần cặn bã được đẩy xuống ruột già. Trường hợp người bệnh kém hấp thu, một lượng lớn carbohydrate, chất béo hoặc protein chưa được tiêu hóa hết. Vi khuẩn trong đường ruột phân hủy các chất này, giải phóng khí, gây tích tụ khí trong dạ dày - ruột, khiến người bệnh đầy hơi, chướng bụng.
Một số trường hợp người bệnh có kèm theo cảm giác đau thắt ở bụng, xì hơi, sôi bụng. Tình trạng này xảy ra do thói quen ít vận động, khiến hệ tiêu hóa chậm lại, gây khó tiêu; tiêu thụ nhiều đồ uống có gas. Mắc bệnh về đường ruột như giảm nhu động ruột, chứng khó tiêu chức năng, viêm loét dạ dày - tá tràng, ung thư dạ dày, viêm đại tràng co thắt (hội chứng ruột kích thích)... cũng gây ra tình trạng này.
Tiêu chảy
Đi ngoài phân lỏng nhiều lần trong ngày, sủi bọt, có chất béo hoặc kèm theo nhầy máu có thể gặp ở cả người lớn và trẻ em. Tiêu chảy có nhiều loại, dù ở dạng nào, nếu đi ngoài kéo dài cũng có thể khiến cơ thể dễ mất nước, kiệt sức, nguy hại đến sức khỏe. Các trường hợp đi ngoài ra máu, tiêu chảy kèm sốt cao trên 38,3 độ C và kéo dài trên 24 giờ, nhịp tim nhanh, nhức đầu, da khô, tiểu ít,... người bệnh cần đi khám chuyên khoa tiêu hóa ngay để được điều trị.
Táo bón
Theo Tiến sĩ Khanh, táo bón là biểu hiện phổ biến nhất về đường tiêu hóa trên thế giới, ước tính 17% dân số toàn cầu bị táo bón. Bệnh xảy ra ở mọi lứa tuổi, nhưng phổ biến hơn ở người trên 65 tuổi (chiếm 30-40%). Tỷ lệ phụ nữ mắc táo bón cao gấp 3 lần so với nam giới.
Chế độ ăn ít chất xơ, sinh hoạt ít vận động có thể gây táo bón. Biểu hiện này cũng có thể do một số bệnh lý tiêu hóa khác như: hội chứng ruột kích thích, nứt hậu môn, tắc nghẽn ống tiêu hóa do khối u...
Buồn nôn, nôn
Đây là biểu hiện đặc trưng nhất khi hệ tiêu hóa có bất thường. Tình trạng nôn, buồn nôn sau khi ăn có thể do ngộ độc, dị ứng thực phẩm, nhiễm khuẩn đường ruột, viêm ruột thừa, tắc nghẽn đường ruột...
Chán ăn
Chán ăn là triệu chứng của nhiều bệnh, trong đó là biểu hiện thường gặp khi hệ tiêu hóa bị suy giảm. Sự giảm bài tiết dịch vị và co bóp các cơ ruột khiến thức ăn vận chuyển trong đường ruột trở nên chậm chạp, người bệnh không còn cảm giác đói khi đến bữa ăn, ăn uống không ngon miệng.
Giảm cân đột ngột
Đường ruột không khỏe có thể khiến người bệnh giảm cân không chủ ý. Hệ vi sinh đường ruột mất cân bằng khiến khả năng hấp thụ chất dinh dưỡng suy giảm, làm cơ thể không nhận đủ lượng calo cần thiết. Đây là triệu chứng phổ biến của hội chứng kém hấp thu như bệnh celiac (có liên quan đến không dung nạp gluten), bệnh crohn (một dạng viêm ruột), viêm tụy mạn.....
Hơi thở hôi
Hơi thở hôi phần lớn do nguyên nhân từ kém vệ sinh răng miệng, bệnh miệng họng (viêm amidan...). Tuy nhiên, một số bệnh tiêu hóa cũng có thể gây hơi thở hôi. Nếu trong đường ruột có sự xuất hiện của nấm men, vi khuẩn hoặc tình trạng nhiễm trùng, người bệnh có thể bị hôi miệng.
Những người mắc bệnh dạ dày - ruột, nhất là trào ngược dạ dày - thực quản dễ gặp triệu chứng này. Người mắc các bệnh lý về gan có thể có hơi thở hôi do gan bị suy giảm chức năng, không thể thanh lọc, đào thải hết các chất độc (amoniac, ure). Các khí dimethyl sulfide, acetone, 2-butanone and 2-pentanone ứ đọng, gây mùi hơi thở hôi.
Mất ngủ
Giấc ngủ có ảnh hưởng đến sự sinh trưởng của các vi sinh vật có lợi trong đường tiêu hóa. Ngoài ra, hệ thống thần kinh ruột còn chứa chất dẫn truyền thần kinh serotonin. Người gặp vấn đề về hội chứng rối loạn chức năng dạ dày ruột như hội chứng ruột kích thích, trào ngược dạ dày thực quản, chứng khó tiêu chức năng có thể mất ngủ kéo dài do serotonin ảnh hưởng đến giấc ngủ.
Rối loạn tiêu hóa còn do hệ vi sinh đường ruột mất cân bằng, nhiễm khuẩn đường ruột hay ợ nóng ở người bị trào ngược dạ dày thực quản, đau bụng ở người viêm loét dạ dày - tá tràng... có thể làm giảm chất lượng giấc ngủ.
Đại tiện phân lẫn máu
Đây là dấu hiệu nguy hiểm cảnh báo tình trạng chảy máu trong đường tiêu hóa, có thể do bệnh trĩ, nứt hậu môn, viêm ruột hoặc polyp đại tràng, viêm túi thừa đại tràng, ung thư đại trực tràng hoặc xuất huyết tiêu hóa do các nguyên nhân khác. Nếu đại tiện ra máu kèm theo mệt mỏi, sốt, nôn mửa, đau bụng dữ dội hoặc thường xuyên có máu trong phân, lượng máu trong phân quá nhiều, bạn cần đi khám ngay.
Trịnh Mai