Kết quả siêu âm, chụp MRI ổ bụng ghi nhận nhiều sỏi trong đoạn thấp ống mật chủ. Sỏi gây giãn đường mật trong và ngoài gan, kích thước viên lớn 1x0,8 cm. Chỉ số bạch cầu và nồng độ sắc tố mật của người bệnh tăng cao.
Ông Quang tiền sử huyết áp cao, cắt 2/3 dạ dày do ung thư cách đây 22 năm, cắt túi mật 12 năm. Ngày 14/9, bác sĩ Hoàng Nam, khoa Tiêu hóa, Bệnh viện Đa khoa Tâm Anh Hà Nội, cho biết, thay đổi giải phẫu ống tiêu hóa, tiền sử phẫu thuật và hóa trị làm sức khỏe bệnh nhân suy kiệt, chức năng gan, thận và tụy giảm, khiến điều trị sỏi khó khăn.
Nếu không tái thông, giảm áp lực do đường mật kịp thời, bệnh nhân có thể bị sốc nhiễm trùng đường mật, viêm tụy cấp, viêm phúc mạc mật, tử vong. Trường hợp bác sĩ mổ mở hoặc nội soi qua đường bụng khiến bệnh nhân dễ gặp biến chứng, chậm phục hồi. Bác sĩ quyết định nội soi mật tụy ngược dòng lấy toàn bộ sỏi trong ống mật chủ qua đường miệng, sau đó đặt stent ống mật chủ để đảm bảo tái lưu thông đường mật.
Bác sĩ Nam cho biết người đã cắt túi mật vẫn có thể bị sỏi đường mật, do túi mật chỉ là một phần rất nhỏ của đường mật. Bệnh nhân có thể bị sỏi ở bất kỳ vị trí nào trên đường mật. Có nhiều nguyên nhân làm sỏi tái phát như ứ mật và nhiễm trùng đường mật chưa được giải quyết triệt để ở lần phẫu thuật trước, cấu trúc đường mật hẹp, nhiễm ký sinh trùng giun sán... Nhiều trường hợp sỏi tái phát ở đường mật sau 3-5 năm mổ.
Để lấy sỏi, bác sĩ dùng ống nội soi quang học đường kính nhỏ, dễ uốn cong đưa vào từ miệng đến dạ dày, tới vị trí ống mật. Dưới sự hỗ trợ của màn huỳnh quang tăng sáng (C-Arm), bác sĩ xác định đường kính ống mật chủ và đường mật trong gan, số lượng và kích thước để lấy sỏi, đặt stent chuẩn xác. Kỹ thuật này còn giúp hạn chế tổn thương mô lành xung quanh.
Sau một giờ can thiệp, người bệnh bớt đau bụng, sức khỏe ổn định và xuất viện sau hai ngày.
Phương pháp nội soi mật tụy ngược dòng giúp lấy sỏi qua đường miệng, chủ yếu là sỏi ở ống mật chủ. Trường hợp sỏi ở vị trí khác hoặc bị tái phát nhiều lần, bác sĩ nội soi ổ bụng hoặc phẫu thuật. Kỹ thuật này ít xâm lấn, giảm nguy cơ tai biến, thời gian phục hồi nhanh, phù hợp cho bệnh nhân cao tuổi, thể trạng yếu, nhiều bệnh nền.
Theo bác sĩ Nam, ngay cả khi đã cắt bỏ túi mật, người bệnh nên duy trì lối sống lành mạnh như ăn chín, uống nước đun sôi, tránh đồ ăn nhiều dầu mỡ, giàu chất đạm, nhiều đường. Chế độ ăn cần tăng cường bổ sung chất xơ trong rau củ quả, ngũ cốc nguyên cám, bỏ hút thuốc lá và rượu bia, thường xuyên tập thể dục. Người bệnh lưu ý kiểm soát cân nặng, bệnh nền như huyết áp, tiểu đường. Tẩy giun 6 tháng một lần, khám sức khỏe định kỳ cũng dự phòng nguy cơ tái phát sỏi đường mật.
Trịnh Mai
*Tên nhân vật đã được thay đổi
Độc giả đặt câu hỏi bệnh tiêu hóa tại đây để bác sĩ giải đáp |