Dinh dưỡng
Người mắc bệnh hen suyễn không có chế độ ăn kiêng cụ thể nào, song có một số chất dinh dưỡng và thực phẩm hỗ trợ giảm triệu chứng.
Beta-carotene, vitamin C, vitamin E: Đây là các chất chống oxy hóa tốt, có thể giúp giảm tình trạng viêm xung quanh đường thở của bạn. Bên cạnh đó, chế độ ăn uống cân bằng gồm nhiều trái cây và rau quả cũng giúp bạn giữ cân nặng hợp lý, tránh thừa cân hoặc béo phì.
Men vi sinh: Nhiều nghiên cứu cho thấy hen suyễn có thể liên quan tới hệ vi sinh đường ruột, tức là các triệu chứng bệnh có thể nặng hơn khi bạn bị mất cân bằng hệ vi sinh đường ruột. Men vi sinh có nhiều trong các thực phẩm như sữa chua, dưa cải, kim chi, miso...
Tỏi: Tỏi có một số lợi ích sức khỏe, trong đó có chống viêm. Do hen suyễn là bệnh mạn tính do lớp niêm mạc của ống phế quản sưng, viêm nhiễm và dễ kích ứng; ăn tỏi có thể giúp giảm các triệu chứng. Nghiên cứu năm 2009 cho thấy chiết xuất tỏi làm giảm đáng kể số lượng tế bào viêm và tế bào bạch cầu trên chuột trong phòng thí nghiệm. Tuy nhiên, tỏi không có tác dụng ngăn hen suyễn bùng phát.

Mật ong và gừng là liệu pháp tự nhiên hỗ trợ điều trị hen suyễn. Ảnh: Freepik
Gừng: Tương tự tỏi, gừng cũng có chất chống viêm. Trong gừng có hợp chất 6-gingerol, được chứng minh giúp giảm viêm phổi dị ứng do mạt bụi, tác nhân thường gặp gây hen suyễn. Các nghiên cứu cũng cho thấy gừng giúp thư giãn cơ khí quản và cơ đường thở, giảm thời gian thở máy ở những người mắc hội chứng suy hô hấp cấp tính.
Mật ong: Một nghiên cứu năm 2019 cho thấy mật ong giúp cải thiện chức năng thở ở những người mắc hen suyễn, song cần kết hợp với các biện pháp điều trị khác. Bạn có thể pha mật ong với đồ uống nóng như trà thảo dược để giúp giảm triệu chứng bệnh.
Omega-3: Chất này có nhiều trong cá và hạt lanh, được chứng minh có nhiều lợi ích sức khỏe, trong đó giúp cải thiện viêm đường thở, chức năng phổi ở người bị hen suyễn nặng. Tuy nhiên, omega-3 có thể không hiệu quả trên nhóm bệnh nhân sử dụng thuốc kháng viêm steroid liều cao để điều trị hen suyễn, do thuốc này ngăn tác dụng có lợi của omega-3. Do đó, bạn nên tham khảo ý kiến bác sĩ trước khi quyết định tăng liều omega-3 trong khẩu phần ăn.
Caffeine: Caffeine giúp giãn phế quản, có thể hình dung chất này giúp mở các con đường cho không khí vào phổi. Ngoài ra, caffeine còn giúp giảm mỏi cơ hô hấp. Một nghiên cứu năm 2022 cho thấy uống từ nửa tách đến 3 tách cà phê hoặc trà hàng ngày, có thể giúp giảm nguy cơ mắc hen suyễn ở người lớn. Tiêu thụ từ 160 đến 305 mg caffeine hàng ngày cũng làm giảm khả năng hen suyễn tiến triển nặng.
Tập thở và châm cứu
Kỹ thuật thở Buteyko (BBT): Hệ thống các bài tập thở này giúp bạn tập trung vào thở ra bằng mũi thay vì bằng miệng. Lý do là thở bằng miệng gây khô và khiến đường thở nhạy cảm hơn. Các bài tập thở BBT giúp giảm các triệu chứng hen suyễn nhờ luyện tập cách thở chậm, nhẹ nhàng.
Phương pháp Papworth: Đây là kỹ thuật thở và thư giãn sử dụng cơ hoành và mũi, nhằm giúp người bệnh hen suyễn kiểm soát các cơn bùng phát bệnh. Mọi người cần tham gia một khóa đào tạo để tập luyện phương pháp này, sau đó áp dụng cho các hoạt động thường gây bùng phát cơn hen suyễn.
Yoga: Yoga kết hợp các bài tập kéo giãn cơ thể và thở, giúp tăng cường tính linh hoạt và tăng cường thể lực chung. Đối với nhiều người, tập yoga có thể làm giảm căng thẳng, từ đó giảm triệu chứng bệnh do stress khiến cơn hen suyễn bùng phát. Một phân tích tổng hợp năm 2023 của 15 nghiên cứu cho thấy một số bằng chứng về tác động tích cực của yoga đối với bệnh hen suyễn từ nhẹ đến trung bình.
Châm cứu: Đây là hình thức y học cổ truyền, sử dụng kim châm vào các huyệt trên cơ thể. Châm cứu có thể cải thiện luồng không khí và kiểm soát các triệu chứng của hen suyễn, ví dụ đau ngực. Nghiên cứu năm 2017 cho thấy thêm châm cứu vào liệu trình điều trị có thể cải thiện chất lượng cuộc sống nếu bạn đang mắc hen suyễn.

Châm cứu có thể giúp kiểm soát bệnh hen suyễn. Ảnh: Freepik
Sức khỏe tinh thần
Bệnh hen suyễn bùng phát không chỉ do các tác nhân về thể chất và môi trường, mà còn do tác nhân tâm lý, ví dụ căng thẳng, lo lắng, trầm cảm. Việc trấn an tinh thần hoặc điều trị tâm lý có thể giúp giảm các cơn hen suyễn bùng phát trong một số trường hợp.
Liệu pháp thôi miên: Liệu pháp thôi miên giúp mọi người thoải mái và cởi mở hơn với những cách suy nghĩ, hành xử mới. Liệu pháp thôi miên cũng có thể giúp thư giãn cơ bắp, đối phó với các triệu chứng hen suyễn như tức ngực.
Chánh niệm và thiền định: Chánh niệm là một loại thiền tập trung vào cảm giác của tâm trí và cơ thể, có thể thực hành ở mọi nơi. Bạn chỉ cần tìm một nơi yên tĩnh để ngồi xuống, nhắm mắt và tập trung sự chú ý vào suy nghĩ, cảm xúc, cơ thể. Từ đó, liệu pháp này giúp xử trí căng thẳng, gián tiếp giảm triệu chứng thể chất do hen suyễn.
Chi Lê (Theo Healthline)