Tôi đồng tình với quan điểm của tác giả bài viết "Áp lực học". Cuộc sống không có áp lực là điều gần như không thể có, nên chúng ta không cần phải lo lắng thái quá việc những đứa trẻ sống với áp lực học hành. Có những áp lực bất khả kháng mà chúng ta không thể trốn tránh (như thiên tai địch họa, bệnh tật, sức khỏe thể chất...). Vì thế, điều quan trọng nhất là người lớn phải dạy trẻ chuẩn bị sẵn tâm thế đối mặt và biết cách giải quyết vấn đề.
Tuy nhiên, bên cạnh đó, vẫn có những áp lực không cần thiết, do tự cha mẹ, nhà trường, xã hội đặt lên vai đứa trẻ, đó mới là những thứ cần phải thay đổi. Trước khi đòi hỏi con cái phải đỗ trường này, lớp nọ, học lực top đầu, các ông bố, bà mẹ có bao giờ tự nhìn lại xem mình có xuất sắc ở mọi môi trường, có là CEO, chủ tịch hay ít nhất là nhân viên xuất sắc hết năm này qua năm khác không? Hay các vị đi làm cũng nay biên bản, mai kiểm điểm, đến điểm danh đúng giờ cũng tuân thủ khó khăn?
Hiện nay, các cấp học phổ thông chỉ đơn thuần cung cấp những kiến thức cơ bản nhất cho học sinh. Việc học tập là nhu cầu, là quyền lợi của trẻ, vậy tại sao chúng ta lại cần phải đánh giá, chọn lọc, phân loại học lực quá khắc nghiệt đến mức như vậy?
>> 'Ép con học theo tiêu chuẩn của cha mẹ'
Thậm chí, theo tôi, ngay cả bậc Đại học cũng nên rộng cửa cho những người có nhu cầu học tập, mở rộng đầu vào, siết chặt chất lượng đầu ra. Đó mới là cách phân loại và để người học phấn đấu đúng đắn nhất. Sinh viên thích học gì cũng được, nhưng học không có kết quả thì đừng mơ ra trường.
Chúng ta lẽ ra phải học các nước phương Tây, xem nhu cầu học tập của mọi người là chính đáng, có các chính sách khuyến khích học tập hết mức có thể, chương trình học đa dạng (kiến thức lẫn học nghề) để đáp ứng cho mọi đối tượng người học. Nhưng thực tế bây giờ, người Việt vẫn đang xây dựng hệ tư tưởng giáo dục giống như các nước Đông Á: rất coi trọng việc học, thậm chí là sùng bái việc học nhưng lại bóp nghẹt cơ hội học tập, làm khổ người học bằng những kỳ thi khắc nghiệt.
Tôi đồng ý với tác giả Nguyễn Anh Thi về việc học theo tín chỉ hay các kỳ thi tiêu chuẩn nên được tổ chức nhiều lần và muốn tham gia bao nhiêu lần cũng được, đến khi đạt kết quả mong muốn thì thôi. Con người cũng có mức độ nhận thức nhanh - chậm khác nhau, người giỏi môn này sẽ kém môn nọ. Thế nên, chẳng có lý do gì để chúng ta lại gò hàng chục triệu học sinh vào trong một cái khuôn, với cùng một hệ tiêu chuẩn, tiến độ, mốc thời gian. Làm vậy, bảo sao cả xã hội không chật vật vì việc học?
>> Quan điểm của bạn thế nào? Gửi bài tại đây. Bài viết không nhất thiết trùng với quan điểm VnExpress.net.