Tôi là một học sinh cuối cấp, chuẩn bị tốt nghiệp. Đứng trước các câu hỏi: "Học giỏi văn để làm gì?"; "Phải chăng môn Văn không có giá trị thực dụng trong cuộc sống?; hay "Những bài văn phân tích phục vụ gì cho tương lai?", tôi cũng đóng góp chút ý kiến trên góc nhìn của một người học đang ngồi trên ghế nhà trường.
Trước tiên, tôi muốn đặt lại cho những người đang có những thắc mắc trên một câu hỏi tương tự: Các bạn có nhìn thấy được giá trị của những bài học lịch sử, của những trận chiến đấu dù thua, dù thắng của dân tộc ta suốt năm tháng bị đô hộ hay không? Nếu không thì cũng giống như những giá trị mà bạn không thể nhìn thấy của những bài phân tích tác phẩm văn học của những nhà văn, nhà thơ mà những học sinh đang ngày đêm phải chắp bút, đào sâu vào.
Tôi nghĩ rằng, Lịch sử là đáp án gần nhất cho câu hỏi của mọi người về giá trị của việc học Văn. Bởi lẽ, những trận chiến đã qua trăm vạn ngày đêm, xa dần năm tháng của ngày hòa bình lâu như thế rồi, nhưng mỗi một người con đất Việt, mỗi một đứa trẻ, ngay từ khi mới được cắp sách đi học, mở mang con chữ, đã được nghe, kể và học dần từng chút một về lịch sử.
Vì nó là căn nguyên cơ bản dựng xây đất nước, là một phần phản ánh tinh thần dân tộc, một nửa của máu, nước mắt được ghi dấu muôn đời. Song, nó cũng là những bài học nhỏ về tinh thần, ý chí, quyết tâm, về suy nghĩ cá nhân. Hướng các thế hệ trẻ từng chút một đến tinh thần yêu nước, tinh thần dân tộc.
Vậy Văn học thì sao? Đã từ bao lâu rồi, tinh thần văn học đi liền với lịch sử dân tộc. Đánh giặc không chỉ đánh bằng sức, bằng ý chí, bằng lực lượng vũ trang, mà còn đánh bằng văn chương. Tuy những tác phẩm ngày nay mà học sinh đang phân tích, không phải tất thảy đều chứa đựng những ẩn ý, những mưu mẹo và cách hành động sâu sắc như những trận chiến trong lịch sử. Song, chẳng ai có thể phủ nhận được tinh thần dân tộc, tình yêu cuộc sống, những vất vả, bộn bề của như người lính, cán bộ, những người dân, người nghèo khổ của tháng năm kháng chiến; của những ngày đói rách, dựng xây đất nước trong văn chương được.
Những câu chữ trong những tác phẩm văn học đó dường như khá xa lạ trong cuộc sống hiện tại, công việc tương lai. Nhưng những thứ ấy lại chính là nét bút khắc họa lại, dựa trên phông nền của xã hội trong hoàn cảnh lúc bấy giờ - khi mà mỗi người trẻ như chúng tôi chưa kịp sinh ra, lớn lên và chứng kiến. Dù cho những thứ ấy không còn áp dụng được mấy vào thực tại, nhưng nó vẫn là vết tích của thời gian, là dòng mực trên trang giấy, mang năng lượng, niềm tin và khát khao của cha ông, dân tộc truyền lại cho các lớp trẻ.
Đúng là những tác phẩm ấy văn tự thật, dài dòng thật. Nhưng nó sâu sắc truyền lại cho đời sau những giá trị sâu kín nhất, nó ánh lại ánh sáng của niềm tin yêu đất nước bằng câu chữ, bằng đài từ. Và dù cho, ánh giá trị ấy chẳng phải ai cũng hiểu hết, thì nó vẫn như một bài học được đưa vào giáo trình, truyền thụ lại qua năm tháng cho mỗi lứa học sinh. Và rồi, nó lại trở thành niềm tin, niềm tự hào được gắn với lịch sử dân tộc mà ai cũng nên biết và nên hiểu.
>> Quan điểm của bạn thế nào? Gửi bài tại đây. Bài viết không nhất thiết trùng với quan điểm VnExpress.net.