Đọc bài viết "Tại sao người Việt hay chen lấn, giành chỗ?", tôi lại nhớ ngay đến bọn trẻ ở trường con tôi sáng nay. Chúng xếp một hàng dài ra tận ngoài đường để chờ đo nhiệt độ trước khi vào trường. Đến khi có thêm một người đo nữa, các con được yêu cầu tách lên một hàng nữa. Thấy vậy, mấy đứa đứng ở cuối hàng tỏ vẻ ngại ngùng, không nỡ vượt các bạn phía trước để bước lên. Rõ ràng trẻ con rất có ý thức cộng đồng đó chứ.
Tiếc rằng, khi lớn lên, rất nhiều trong số chúng lại bị cha mẹ, người lớn và môi trường xung quanh tác động, làm hỏng đi cái ý thức tốt đẹp vốn có. Từ trong chung cư tôi ở ra đường có một con lươn phân cách. Theo đúng luật, người ta sẽ phải rẽ phải, đi thêm khoảng 40 mét nữa để tới chỗ sang đường. Tuy nhiên, thực tế, tôi quan sát mỗi sáng, rất hiếm người chọn đi theo cách này. Hầu như người ta đều chọn chạy ngược chiều hơn 100 mét rồi sang đường cho nhanh.
Rất nhiều trong số đó là những bậc phụ huynh đèo con đi học. Xe máy đã đành, thậm chí, có cả người đi ôtô cũng sẵn sàng chạy ngược chiều cả trăm mét. Ra giao lộ D2-D5 Bình Thạnh, mỗi ngày cũng có cả trăm, cả ngàn lượt ôtô quay đầu đè vạch liền vàng và rẽ trái trên làn ngược chiều từ cách đó mấy chục mét. Tôi thấy mà không dám tin vào mắt mình luôn, chỉ biết ngán ngẩm cho ý thức của một bộ phận dân mình.
Thực ra, ở Việt Nam, chẳng có trường nào dạy thói hư tật xấu cho học sinh cả. Tất cả đều từ phụ huynh, gia đình mà ra. Ở trường dạy tuân thủ luật giao thông, nhưng bố mẹ vẫn ngày ngày vượt đèn đỏ, chạy ngược chiều để đưa đón con đi học. Vậy thì làm sao trẻ giữ được ý thức tốt đẹp?
>> Những người đi máy bay vô ý thức
Trường con tôi ngày nào cũng có một hàng người sắp xếp xe ngay ngắn bên đường và một hàng ôtô đỗ sát lề đường, cách xa cổng trường để chờ đón con. Nhưng vẫn có rất nhiều người khác vô ý thức, thản nhiên vứt xe máy loạn xạ và đỗ ôtô giữa đường trước cổng trường để đón con. Trường dạy xếp hàng nhưng bố mẹ dắt con đi đến nơi công cộng thì cứ vô tư chen lấn, giành chỗ. Như thế trẻ không bị ảnh hưởng mới lạ.
Hôm rồi, trên đường đi đón con, tôi còn thấy một tài xế ôtô đến sau bấm còi inh ỏi, đuổi một người phụ nữ đi xe máy phía trước để đỗ vào chỗ đó cho có bóng mát, dù dọc đường còn trống rất nhiều. Nói chung, ý thức chính là sự tự giác làm điều đúng theo pháp luật, đạo đức cộng đồng. Người có ý thức sẽ luôn tuân thủ luật lệ, trật tự xã hội, kể cả khi không có bóng dáng lực lượng chức năng. Ý thức kém thì ở đâu cũng kém, họ chỉ sợ bị phạt nên mới chấp hành, chứ có điều kiện là lại sẵn sàng vi phạm.
Hầu như mọi loại kỹ năng sống văn minh, lễ nghĩa và ý thức đều được dạy trong môn Đạo đức ở nhà trường ngay từ lúc nhỏ và Giáo dục công dân lúc lớn hơn một chút. Có điều trẻ con học chưa kịp thuộc thì bố mẹ lại làm những điều hoàn toàn trái ngược trước mặt chúng hàng ngày, thậm chí còn nhiều gấp mấy lần thời lượng học trên lớp. Thử hỏi như vậy thì giáo dục nào dạy cho nổi?
>> Quan điểm của bạn thế nào? Gửi bài tại đây. Bài viết không nhất thiết trùng với quan điểm VnExpress.net.