Thời gian gần đây, tôi thấy các độc giả VnExpress tranh luận trái chiều xung quanh việc dạy và học môn Văn ở bậc phổ thông. Bản thân tôi cũng muốn đóng góp một chút ý kiến về chủ để này. Đầu tiên, tôi thừa nhận mình là một người không thích môn Văn, nhưng không phải vì nội dung của chúng không hay. Thậm chí, tôi cho rằng, môn này có khá nhiều tác dụng, hỗ trợ tốt cho chúng ta sau khi ra đời, đi làm.
Lý do chính khiến tôi không thích học Văn là vì giáo viên các môn này đa phần chấm điểm dựa trên cảm tính cá nhân. Thời còn đi học, tôi thường xuyên bị điểm kém môn Văn, dù thực tế bài làm của tôi đầy đủ nội dung lý thuyết và cấu trúc. Vấn đề nằm ở chỗ quan điểm của tôi thường không giống với quan điểm của giáo viên nên bài làm luôn bị chấm điểm thấp.
Ví dụ, để bài tập làm văn yêu cầu "tả một con vật nuôi trong nhà như chó, mèo, lợn, gà...". Theo yêu cầu của cô giáo, bài văn phải gồm ba phần là: mở bài, thân bài và kết luận. Tôi làm đúng theo những yêu cầu được đưa ra: mỗi phần cần nội dung gì, tất cả tôi đều đáp ứng đủ. Ngữ pháp và chính tả của tôi cũng rất ít khi sai. Nhưng tôi vẫn bị điểm kém chỉ vì miêu tả không hay, lời văn không bay bướm, và viết quá ngắn... Nói tóm lại, tôi không làm theo văn mẫu đã được cô hướng dẫn, bị điểm kém vì khác biệt số đông, một mình một kiểu.
Trong suy nghĩ của tôi lúc ấy, con vật nó có những đặc điểm gì, xấu đẹp như thế nào dưới góc nhìn của một học sinh tiểu học, là tôi sẽ viết giống hoàn toàn với thực tế. Bài văn của tôi bị đánh giá là khô khan và cứng nhắc. Nhưng hãy nhớ, đề bài chỉ yêu cầu tả con vật và tôi đã làm đúng yêu cầu, miêu tả con vật một cách chân thực nhất, đúng với cảm nhận của mình. Vậy tại sao tôi bị điểm kém? Chẳng lẽ cứ phải miêu tả phi thực tế, viết hoa mỹ, bay bướm thì mới là đạt yêu cầu?
>> Học Văn dù 'không có tính ứng dụng'
Đối với tôi, việc bắt học sinh phân tích các tác phẩm Văn học và môn Tập làm văn là những thứ vô vị nhất. Ngay từ hồi còn học tiểu học, tôi đã có thiên hướng học tốt môn Toán (dĩ nhiên điểm số môn này của tôi rất cao), còn môn Văn thì luôn bị điểm rất kém (dù tôi không nghĩ là mình dốt Văn). Bởi đơn giản, môn Toán có đáp số, đúng - sai rõ ràng. Đúng hết là 10 điểm, còn sai hết là 0 điểm, không có gì phải bàn cãi.
Trong khi đó, với môn Văn, điểm số hoàn toàn phụ thuộc vào cảm tính, gu thưởng thức của mỗi giáo viên. Đôi khi, tôi tự hỏi, cô giáo thấy bài làm văn của tôi không hay, không đúng ý nên cho điểm thấp, nhưng chắc những người khác cũng thấy vậy? Vậy lấy gì làm cơ sở để đánh giá bài làm của tôi không đạt và bị điểm kém?
Càng học lên cao, tôi càng nhận ra thiên hướng học các môn tự nhiên của mình thêm rõ ràng. Lên cấp 2 và cấp 3, tôi học chuyên Lý, lên Đại học tôi học ngành Kỹ thuật. Và ngay cả đến bây giờ, tôi vẫn không nghĩ mình dốt Văn, có chăng tôi bị điểm kém là do cách chấm điểm theo cảm tính của giáo viên nói riêng và những bất cập trong giáo dục của nước ta nói chung.
Tôi còn nhớ, hồi thi tuyển vào ngành công nghệ thông tin năm 2009, tôi cần phải tham gia hai môn thi bắt buộc là Toán và Văn. Trong đó, đề Văn chỉ có một câu duy nhất, đó là: "Nêu quan điểm của bản thân về một sự việc bất kỳ". Điểm tối đa của môn Văn là 15 điểm và kết quả tôi đã đạt 12/15 điểm, tức là nếu tính theo thang điểm 10 thì tôi được 8 điểm - số điểm không hề thấp (dù vẫn giữ nguyên phong cách viết Văn của mình). Từ đó, có thể thấy, tôi không hề học kém môn Văn như đánh giá của giáo viên phổ thông đúng không?
>> Quan điểm của bạn thế nào? Gửi bài tại đây. Bài viết không nhất thiết trùng với quan điểm VnExpress.net.