"Tôi thấy nhiều phụ huynh nhầm lẫn giữa việc dạy con tự lập và dạy con tự giác. Vì muốn con tự lập không thành đứa trẻ U30 nên phụ huynh rèn con làm việc cá nhân từ lúc lên 3 và việc nhà từ lúc lên 7, nhưng khổ nỗi là bắt ép chúng làm chứ không dạy được con tính tự giác làm. Tôi thấy nhiều cha mẹ phân nhiệm vụ hẳn hoi, có thời khóa biểu rõ ràng mà ngày nào cũng hò hét thì con mới làm và làm với thái độ " trả nợ" từ việc học đến việc nhà. Và vị chúng bị bắt làm nên chúng chẳng có tý yêu thích nào. Tôi không biết liệu rằng những đứa trẻ này thế nào khi lớn lên, khi không ai ở bên hò hét chúng làm? Đúng, dạy con là cả một nghệ thuật, hãy hỏi rằng cha mẹ có học nghệ thuật dạy con trước khi đòi hỏi đứa trẻ tự lập, tự giác".
Đó là quan điểm của độc giả Trang dang xung quanh câu chuyện "Những 'đứa trẻ' U30". Dạy con tự lập đang là xu hướng giáo dục ngày càng được các bậc phụ huynh hiện đại ưa chuộng. Nhận thức được việc để trẻ tự lập ngay từ khi còn nhỏ là điều cần thiết, với chính bản thân trẻ và với cả cha mẹ, nên nhiều bậc phụ huynh muốn dạy con theo phương pháp giáo dục con của phương Tây. Tuy nhiên, sự khác biệt về văn hóa, tư tưởng có thể dẫn tới nhiều hệ quả "lợi bất cập hại".
Nói về sai lầm trong phương pháp dạy con tự lập của nhiều cha mẹ Việt, độc giả Nguyễn Trung Hiếu cho rằng: "Nhiều người chỉ dạy con tự lập ảo. Nhiều cha mẹ kêu là dạy con tự lập, muốn con mình cái gì cũng phải làm được nhưng khi nào sai bảo thì chúng mới làm. Kêu là con tự lập nhưng quyền quyết định đều do cha mẹ quyết. Áo quần phần lớn đều do cha mẹ quyết, trường học đều do cha mẹ quyết, con cái chỉ thay đổi được bằng cách cố tình làm hỏng. Muốn nghỉ học đi làm càng khó, ngay cả quậy phá bị đuổi thì cũng bị cha mẹ cho vào trường khác; học dốt cũng không xong, vẫn phải vác xác đến trường trong đòn roi... Như thế có gọi là tự lập?
Nói chung, tuy kêu là tự lập, nhưng có mấy đứa trẻ có thể làm theo ý mình và tự chịu trách nhiệm với quyết định của bản thân? Phần đông chỉ làm sai cái cỏn con là bị cha mẹ mắng chửi té tát, cứ như không thể nào khắc phục được vậy.
Tự lập nhưng không cho trẻ tự chịu trách nhiệm vì không thể tự quyết, thì cũng chỉ là tự lập nửa vời.
Nói đúng hơn là chúng bị huấn luyện làm theo những gì cha mẹ muốn. Đó là lý do nhiều bậc phụ huynh tự hào con mình tự lập nhưng thực chất chúng chỉ biết làm việc một cách máy móc vì bị bắt buộc, hơn là trách nhiệm tự thân".
>> 18 tuổi không sống bằng tiền của cha mẹ
Đồng quan điểm, độc giả Lâm chia sẻ: "Thời xưa, tôi ở thành phố, thay cha mẹ đi xếp hàng mua đồ; đói phải tự nấu cơm bằng bếp củi, bếp trấu mà ăn; giặt giũ toàn bằng tay vì chưa có máy giặt và cũng không có điện. Thế nhưng mỗi thời mỗi khác, ngày nay, bạn phải rèn cho con cái biết cách sử dụng máy giặt, máy sấy với từng loại vải khác nhau, chứ không thể cứ rập khuôn bắt chúng phải giặt tay được.
Với bọn trẻ bây giờ, chúng học kỹ năng rất nhanh nhưng tính tự giác thấp, nói trắng ra là lười, bảo mới làm, không tự giác. Không phải chúng không muốn tự học mà đa số trẻ bây giờ có tư tưởng thực dụng hơn ta ngày xưa, không hiểu học môn này, môn kia để làm gì trong cuộc sống, thành ra lười học".
Nhấn mạnh sự cần thiết của việc cha mẹ buông tay để con tự lập, bạn đọc Má sắp nhỏ khẳng định: "Liệu sau này, khi con muốn được ra ở riêng, bạn có vui lòng đồng ý không? Nếu con tự chọn một nghề mà bạn cho là không có tương lai, thì bạn có can thiệp không? Nếu con chọn người bạn trai, bạn gái không vừa ý bạn thì bạn có ý định ngăn cản không? Muốn con cái tự lập, tự chủ, tự học thì cha mẹ cần dũng cảm buông tay, trao cho con một sự tự do và tin tưởng nhất định.
Tất nhiên, buông tay ở đây là dần dần theo từng độ tuổi, cho tới khi con tự làm chủ được cuộc sống của chúng. Đó là cả một nghệ thuật. Tự lập, tự chủ không phải chỉ là tự dọn dẹp, nấu nướng, học hành cho nhàn thân cha mẹ, đỡ phải chăm lo con cái. Đó mới chỉ là nghĩa vụ mà thôi.
Quyền lợi của tự lập, tự chủ còn là tự do cá nhân, là không gian riêng, quyền tự chịu trách nhiệm với chọn lựa của mình. Nhưng đó lại là điều mà các bậc phụ huynh thường hay quên mất".
>> Các ý kiến không nhất thiết trùng với quan điểm VnExpress.net. Gửi bài tại đây.