Có lẽ ai trong chúng ta cũng đã được nhà trường, cha mẹ răn dạy rằng "Thương cho roi cho vọt ghét cho ngọt cho bùi". Ngày còn nhỏ, tôi cũng từng được nghe những người lớn, ông bà, cha mẹ dạy như vậy. Thế nhưng, lời dạy ấy dần bị hiểu sai đi dẫn đến nhiều hậu quả nghiêm trọng khiến cộng đồng mạng dậy sóng trong thời gian gần đây.
"Thương cho roi cho vọt" thực chất là một phương pháp giáo dục con cái, trong đó người làm cha mẹ cần nghiêm khắc, "cứng rắn" đúng lúc, đúng hoàn cảnh trước những đòi hỏi vô lý hay sự ương bướng, sai phạm của con. Tuy vậy, hình ảnh "roi vọt" được cường điệu hóa đến mức... nhiều bậc làm cha mẹ hiểu theo nghĩa phải cho con cái no đòn mới là thương yêu.
Vậy có nên dạy dỗ con cái bằng cách đánh đòn? Với tôi, câu trả lời hoàn toàn là không. Bản thân tôi khi còn nhỏ cũng từng bị đánh đập rất nhiều, từ roi mây, roi trứng cá, ống nước. Thậm chí, ngày bé từng có lần dì trói tôi ở gốc cây trứng cá giữa buổi trưa nắng vì không chịu ăn hết cơm. Hậu quả là tôi bị nguyên một ổ kiến lửa cắn, đến bây giờ đã lớn rồi nhưng vẫn không hết sẹo. Đó không chỉ là vết sẹo ngoài da mà còn là vết sẹo mãi khắc sâu vào tâm hồn.
Các thế hệ trước tôi như anh chị, cha mẹ, ông bà cũng sống rồi lớn lên bên những cây roi mây, roi trứng cá, dây điện, ống nước... Thế nhưng, không phải những điều ai cũng từng trải qua thì đều mặc định nó là đúng. Đòn roi chưa bao giờ là phương pháp tốt và đúng đắn để răn dạy con cái. Khi bạn đánh con em mình, điều đó chỉ thể hiện rằng bạn hoàn toàn không còn khả năng dạy con bằng lời nói, cũng như không thể kiềm chế được cơn giận nhất thời của mình.
Bằng chứng là sau khi đánh con một trận đòn hả hê, bạn bỗng thấy có lỗi khi nhìn thấy những vết lằn trên người con khi chúng nằm ngủ. Nên chẳng có lý do gì khi yêu thương người khác mà lại làm đau họ cả. Đó chẳng qua chỉ là một sự ngụy biện cho hành động nóng giận bộc phát nhất thời mà thôi.
Nếu những ai đồng ý với việc đánh con cái để dạy dỗ là bình thường thì tôi muốn hỏi rằng: nếu đổi lại là người yêu, vợ hoặc chồng bạn cũng cầm roi đánh bạn để dạy dỗ thì bạn cảm thấy như thế nào? Chẳng qua là bạn đang có cảm giác như mình là một đấng bề trên, coi việc dùng đòn roi quất con là điều hiển nhiên.
>> Đòn roi là cách ba mẹ tôi thể hiện yêu thương với con cái
Thường xuyên dạy dỗ con bằng đòn roi, hậu quả sẽ rất khó lường. Khi cha mẹ thường xuyên đánh đập, sử dụng ngôn từ mạnh bạo để chì chiết con cái, trẻ sẽ trở nên nhút nhát, e dè, sống nội tâm. Thường xuyên bị đánh đập, từ hiếu động tinh nghịch, những đứa trẻ sẽ "khép cửa lòng" mình lại vì những tổn thương bên trong. Khi đi học hay ở nhà, muốn phát biểu hay làm bất cứ điều gì, những đứa con đều phải lấm lét nhìn ánh mắt của cha mẹ, thầy cô vì nỗi sợ mang tên đánh đòn.
Những đứa con khi bị đánh đập sẽ hình thành tính nói dối, thường xuyên che giấu, bao biện khi làm sai vì nỗi ám ảnh "mày liệu hồn, làm sai để tao biết được là no đòn!". Những cảm xúc, tâm sự thật lòng thường xuyên bị đè chặt lại, đến khi mọi chuyện vỡ lỡ cũng đã muộn màng.
Trẻ bị đánh nhiều còn có xu hướng đối xử bạo lực với người khác. Đây là dấu hiệu cho thấy những người thường xuyên bị đánh đã bình thường hóa đòn roi, bị nhồi nhét vào đầu tư tưởng "đánh người là đúng". Không khó bắt gặp những bình luận dạng như "Ngày nhỏ tôi bị đập hoài có sao đâu, vẫn sống thôi" trên khắp cõi mạng. Trầm trọng hơn, họ có xu hướng trở nên nổi loạn, hung hăng hơn vì đòn roi phản tác dụng và bạo lực với người khác y hệt cách mình được đối xử thuở nhỏ.
Sống xa cách, lạnh nhạt với gia đình, hai sạn cảm xúc, vô cảm, hời hợt thậm chí tách rời khỏi gia đình... là điều rất dễ thấy đối với những đứa con thường xuyên bị bạo lực. Chúng không tìm thấy được sự đồng cảm, hơi ấm và bao dung nơi cha mẹ mỗi khi làm sai, trở nên khó khăn, tuyệt vọng.
Nếu tốt hơn, bạn sẽ là người rất ghét bạo lực và sẽ không bao giờ áp dụng điều đó trong trường hợp nào cả vì bạn đã hiểu cảm giác đau đớn của những trận đánh đó. Bạn sẽ trở nên vị tha, kiềm chế cảm xúc giỏi hơn. Nhưng dù là hệ quả tích cực hay tiêu cực thì việc bị đánh đều là những trải nghiệm vô cùng tồi tệ mà không ai xứng đáng bị cả.
Chính vì vậy xin đừng nghĩ việc đánh đập con cái là bình thường chỉ vì lúc nhỏ bạn cũng từng bị đánh mà vẫn ... sống "nhăn răng". Bạn cho đó là bình thường nhưng nhiều khi tiềm thức của bạn đã từng phản kháng, lên án nó rồi. Đó là khi bạn đã từng lén giấu hết những cây roi trong nhà đi. Có một người thầy mà tôi rất quý mến cũng đã từng chia sẻ như vậy: "Nhiều người lãng mạn hóa đòn roi vì họ không đủ can đảm thừa nhận một tuổi thơ bị đối xử sai trái, đơn giản vậy thôi".
Bản thân tôi dù hiện tại đã trưởng thành, ba mẹ tôi càng lớn tuổi thì tính cách càng trầm ổn hơn, không dễ nóng giận như khi trẻ nữa. Nhưng mỗi khi nhớ về nhưng trận đòi roi lúc nhỏ từng chịu, tôi đều cảm thấy sợ hãi ớn lạnh vì tuổi thơ của tôi chỉ cần bị một con điểm thấp, lỡ làm sai một lỗi gì là đều bị lôi ra phạt quỳ và đánh đòn ngay. Chính vì vậy, theo quan điểm của tôi, đánh đòn con cái chưa bao giờ là đúng cả. Nó chỉ thể hiện sự bất lực của cha mẹ - khi ngôn từ bất lực, bạo lực lên ngôi!
>>Quan điểm của bạn thế nào? Gửi bài tại đây. Bài viết không nhất thiết trùng với quan điểm VnExpress.net.