Tôi là tác giả bài viết "Đánh để con ngoan". Trong phạm vi bài viết trước, tôi chỉ chia sẻ những thông tin cơ bản về cách mẹ giáo dục chị em tôi nên có lẽ đã làm cho một số độc giả lo lắng rằng chúng tôi ôm hận thù và trách móc mẹ.
Thực ra, khi nhỏ, chị em tôi là những đứa trẻ thuộc dạng ngoan nhất khu tập thể có hơn ba mươi gia đình, nên hàng xóm láng giềng luôn coi chúng tôi là "con nhà người ta". Dù vậy, khi chúng tôi phạm phải lỗi gì từ bé đến to, đều sẽ bị ăn roi của mẹ. Mẹ dạy chúng tôi bằng đòn roi, bằng cả những lời mắng chửi có phần tục tĩu, khó nghe, cho đến tận khi chúng tôi trưởng thành.
Từ lúc chị gái và tôi học tiểu học, hai chúng tôi đã phải làm vô số công việc tay chân để đỡ đần mẹ. Khi lớn lên, đi làm kiếm tiền, hai chúng tôi đều đưa hết lương cho mẹ chứ không giữ đồng nào cho mình. Nhưng dường như những điều đó vẫn chưa đủ để làm mẹ hài lòng. Trong tâm trạng của một đứa bé bị mẹ đánh lằn ngang lằn dọc tím ngắt, ngồi ghế đau mông, ngồi xổm đau bắp, tôi đã nhiều lần ngồi một mình trong xó nhà, tự xoa dịu những lằn roi sưng tím trên cơ thể mình mà nước mắt tuôn rơi, không hiểu vì sao mẹ đánh mình thậm tệ như vậy?
Tuy nhiên, giờ đây, trong tâm trạng của một người trưởng thành, tôi tự kết luận rằng, có lẽ do mẹ đã quá vất vả để một mình nuôi ba đứa con, nên đã rất stress và nhiều ấm ức cần được giải tỏa. Do đó, thật lòng, chúng tôi không hề oán trách mẹ vì đã bạo hành mình, chỉ là đôi khi cảm thấy khó hiểu và tủi thân mà thôi.
Chúng tôi đều rất thương và lo lắng cho mẹ. Chỉ cần mẹ có nhu cầu nào đó, chúng tôi sẽ cố gắng đáp ứng nhanh nhất có thể. Chúng tôi đưa mẹ đi du lịch trong và ngoài nước, mua sắm mọi thứ mẹ cần, mua các loại thuốc bổ đắt tiền cho mẹ tẩm bổ, chạy về thăm mẹ bất cứ lúc nào rảnh rỗi để ăn bữa cơm đạm bạc với mẹ... Có những khi, về thăm nhưng bị mẹ chửi bới vì chuyện gì đó không hài lòng, chúng tôi lại đành cắp đuôi chạy sớm, nhưng rồi vài hôm lại về với mẹ.
Đôi khi, chị em tôi ngồi nói chuyện với nhau, công nhận rằng: "Mẹ giỏi thật, chứ như mình thì làm sao một thân nuôi nổi ba đứa con?". Chúng tôi quan niệm công sinh thành, dưỡng dục của cha mẹ, thì con cái trả bao nhiêu cũng không hết, cho nên mấy đứa chỉ biết cố gắng làm hết sức để cho mẹ vui lòng. Chỉ là, chúng tôi không nói ra được lời yêu thương với mẹ, không phải vì hận mẹ, mà là từ nhỏ đến lớn không có cơ hội để nói những lời ấy nên giờ cứ ngượng ngịu, khó nói. Chính mẹ tôi cũng thấy được sự quan tâm, lo lắng của con cái nên thường hay khoe với bạn bè rằng "con rất có hiếu".
>> Đánh chửi tôi là cách mẹ giải tỏa áp lực
Vấn đề ở đây, tôi muốn so sánh hai cách dạy con khác nhau, bởi vì tôi từng cảm nhận được trực tiếp bạo lực ảnh hưởng như thế nào đến tâm lý của ba chị em nên tôi đã không dùng đòn roi với các con của mình. Thay vào đó, tôi dùng lý lẽ để dạy con. Và để cho con biết nghe lời thì ngay từ trước khi con học nói, tôi đã dạy con biết kính sợ, vâng lời cha mẹ, dạy con lòng biết ơn, giải thích cho con biết lý do cha mẹ làm hay không làm việc gì đó cho con, tuyệt đối không đội con lên đầu, không chạy theo năn nỉ con, không chiều ý con mọi thứ, không bao che sai lầm của con... và không bao giờ đánh đòn con.
Một lần, con trai tôi đánh nhau với bạn nên bị thầy giám thị dùng thước gỗ đánh sưng đỏ lòng bàn tay. Dù lòng đau xót nhưng tôi vẫn giải thích cho con hiểu lý do vì sao con bị thầy đánh. Từ đó, con tôi không đánh bạn nữa. Xin nói rõ, con tròn một tuổi tôi đã gửi nhà trẻ để đi làm, đến chiều lại hộc tốc chạy về đón con, ngày ngày một nách hai đứa, ba túi xách và lỉnh kỉnh đồ làm cơm chiều vừa tạt qua mua ở chợ. Chồng tôi đòi gửi con về nội nhưng tôi thà quần quật, đầu tắt mặt tối chứ không gửi con cho nội hay ngoại. Tôi quan niệm con mình thì mình nuôi.
Giờ các con tôi đã lớn và vẫn biết vâng lời cha mẹ, nhưng cũng có thể mạnh dạn bày tỏ ý kiến, tình cảm cá nhân. Các con tự giác giúp đỡ cha mẹ những việc có thể, làm thay những việc nặng nề... Các con có thể thoải mái thể hiện tình yêu thương đối với cha mẹ bất cứ nơi đâu, bằng hành động hay lời nói. Thế nên, tôi mới nói rằng, dạy con bằng roi vọt không phải là cách dạy con duy nhất để giúp trẻ nên người.
>> Quan điểm của bạn thế nào? Gửi bài tại đây. Bài viết không nhất thiết trùng với quan điểm VnExpress.net.