Đồng tình với tác giả bài viết "Những cái tát học sinh nhân danh giáo dục" và kịch liệt phản đối cách ứng xử phi giáo dục. Nếu như nhà trường có quy định thì cũng kèm theo đó là những hình phạt cụ thể. Thầy cô cần dựa theo quy định để có hình phạt với học sinh, chứ không phải tự ý lấy những cái tát phản giáo dục để dạy dỗ con trẻ.
Với những bạn bảo vệ cho tư tưởng giáo dục bằng đòn roi, xin hỏi các bạn đã trưởng thành được gì từ những trận đánh và những lời chửi mắng của người lớn? Những hình phạt kiểu đó chỉ làm tổn thương và ảnh hưởng tới tâm lý của một đứa trẻ, khiến chúng bị ám ảnh, sợ hãi, tự ti.
Thử hỏi, nếu đòn roi có tác dụng như thế thì sao cha mẹ ở Mỹ lại bị cảnh sát "hỏi thăm" khi dùng đánh hay chửi mắng con mình? Họ thậm chí còn có thể bị tòa tước quyền nuôi con? Nếu nói muốn trưởng thành, trẻ phải bị chửi mắng và đánh đòn thì không lẽ trẻ em ở phương Tây đều hư hỏng hết sao? Tại sao các nước phương Tây không áp dụng cho trẻ ăn tát, ăn chửi mà họ vẫn thành công vậy?
Quả thực, nhiều giáo viên ở ta thiếu kỹ năng sư phạm trầm trọng. Trước tiên làm giáo viên, mỗi người cần phải hiểu chức năng và nhiệm vụ của mình, cũng như có được tâm lý sư phạm thật tốt. Tại sao ngành sự phạm, ngoài kiến thức ra đòi hỏi giáo viên phải có kỹ năng sư phạm?
>> Giáo viên tát học sinh hư là giáo dục lệch lạc
Vậy giáo viên phải làm gì khi gặp một học sinh hút thuốc lá? Đầu tiên, hãy trao đổi với phụ huynh của em đó để họ quan tâm đến con mình nhiều hơn. Sau đó, giáo viên cũng nên chia sẻ và nói chuyện thẳng thắn với học sinh về tác hại của thuốc lá. Chỉ khi thầy cô thực sự yêu thương học trò, các em sẽ biết cách lắng nghe.
Tôi không phải là thầy giáo, tuy nhiên, trẻ em trong xóm luôn yêu quý tôi, vì tôi yêu chúng thật tâm. Trong những ngày hè và ngày nghỉ, trẻ con quanh khu đều đến nhà tôi để chơi, từ đá bóng, bóng rổ, đến các trò chơi khác. Chưa bao giờ tôi quát mắng hay nạt nọ lũ trẻ. Khi chúng làm sai gì đó, tôi chỉ nhắc nhở bằng sự tôn trọng và yêu thương.
Nhà tôi để nguyên tầng một làm chỗ cho tụi trẻ chơi đùa. Bé nào thích đá bóng tôi sẵn sàng cho mượn bóng; thích gì tôi cũng cho mượn để chơi. Chơi xong, tôi lại nhắc đám trẻ cất gọn vào chỗ cũ để lần sau có cái chơi tiếp. Mỗi lần về đến nhà, tôi chưa cần xuống xe mở cửa đã có mấy đứa nhóc nhanh nhảu chạy ra mở giúp.
Thế nên, với giáo viên cũng vậy, muốn trò yêu quý và nghe lời, thầy cô hãy đối xử với các em bằng một tình yêu thương chân thành. Nguyên nhân chính khiến trẻ Việt đánh mất sự tự tin không gì khác mà là các hình phạt. Tại sao học sinh trường quốc tế thường tự tin, mạnh dạn hơn? Chính là bởi các em được tôn trọng, yêu thương thay vì những trận đòn roi hay mắng mỏ.
>> Quan điểm của bạn thế nào? Gửi bài tại đây. Bài viết không nhất thiết trùng với quan điểm VnExpress.net.