Tôi rất bất ngờ khi đến thời đại này vẫn có những người ủng hộ phương pháp giáo dục con cái bằng đòn roi, la mắng. Giờ đây, đa số mọi người có kiến thức, có thể tiếp cận các phương pháp giáo dục hiện đại, nhưng nhiều ý kiến vẫn bao biện cho phương pháp giáo dục bằng đòn roi.
Phải chăng trẻ con phương Tây đẻ ra vốn đã ngoan còn trẻ con Việt Nam hư sẵn, không nghe lời nên phải cho ăn đòn? Hay do cha mẹ phương Tây một ngày có 48 tiếng nên dư thời gian để kiên nhẫn với con, còn cha mẹ Việt thì quá bận rộn để dạy con nên phải dùng đòn roi cho nhanh, cho tiện? Tôi thấy có nhiều ông bố có thể nhậu nhẹt với bạn bè cả buổi, nhưng không thể kiên nhẫn đến quá một tiếng đồng hồ để dạy con, chỉ cần bé làm sai bài tập vài ba lần là dùng roi, quát nạt.
Nhiều cha mẹ dạy con không được đánh bạn, dạy con phải ngoan ngoãn, lễ phép, vâng lời, nhưng chính họ lại thích dùng nắm đấm, dùng roi để đánh con, dùng lời lẽ thô tục khi giao tiếp với người khác. Vậy phải chăng hành động của cha mẹ không thể đủ thuyết phục trẻ, dẫn đến trẻ ngỗ ngược, không nghe lời?
Với mỗi đứa trẻ hư, cha mẹ có bao giờ tự hỏi chúng ta đã hành động thế nào để trẻ học theo điều xấu? Có bao nhiêu cha mẹ đã đọc sách tâm lý trẻ em, học cách giáo dục trẻ, học cách kiên nhẫn với những đứa trẻ có tâm lý thể chất không bình thường, học cách xử lý tình huống khi con đến giai đoạn khủng hoảng để sẵn sàng đồng hành cùng con qua các giai đoạn đầu tiên của cuộc đời, khi chúng chưa đủ nhận thức về hành vi đúng sai và hậu quả?
Tôi sinh ra và lớn lên ở làng quê từ những năm 90. Trong 30 năm cuộc đời, tôi chưa một lần bị đòn roi, chưa bao giờ nghe cha mẹ quát mắng hay dùng lời lẽ thô tục. Cha mẹ tôi chỉ là viên chức bình thường, lương vừa đủ sống, không hề dư giả, nhưng đã cho anh chị em tôi một tuổi thơ hạnh phúc, ấm êm. Tôi đã học được nhiều điều từ cách giáo dục con cái của cha mẹ và sau này áp dụng cho con cái mình.
Trẻ con học từ hành vi của người lớn. Để dạy con, trước tiên cha mẹ, ông bà phải làm gương cho con cháu, đồng thời luôn theo dõi và phải ngăn chặn trẻ tiếp xúc điều xấu trong những năm đầu đời. Cha mẹ và cả ông bà tôi đều dạy con cháu bằng lời khuyên răn nhẹ nhàng, luôn đối xử với mọi người chuẩn mực, hiền hòa để con cháu noi theo.
Trong 10 năm đầu đời của chị em tôi, ba hầu như bỏ các cuộc nhậu, luôn về nhà trước giờ học của các con. Người lớn hay trẻ con đến nhà tôi mà có lời lẽ không đúng, cha mẹ tôi sẽ nhắc nhở ngay để không làm ảnh hưởng đến anh em tôi. Cha mẹ tôi cũng gặp áp lực công việc như bao người khác, nhiều lần tôi thấy cha lặng lẽ suy tư ngoài sân khi con đã ngủ, vì không muốn ảnh hưởng xấu đến con.
Sau này lớn lên, mẹ tôi mới kể là cha mẹ thỉnh thoảng vẫn cãi nhau, nhưng chỉ trong phòng riêng, chưa một lần trút bực dọc lên con cái. Lần duy nhất tôi bị điểm kém, khi 8 tuổi. Lúc đó, mẹ không la mắng, chỉ cầm bảng điểm hỏi tôi vì sao? Tôi trả lời do coi tivi không ngủ trưa, đến tối ngủ quên nên không học bài và bị điểm kém. Tôi tự kiểm điểm, hứa sẽ sắp xếp thời gian học và chơi đúng giờ để không bị điểm kém nữa.
Cha mẹ tôi dạy cho chúng tôi phải chịu trách nhiệm với hành vi của mình, nếu không tuân thủ thì sẽ tự chịu hậu quả. Cha mẹ cũng chưa bao giờ hỏi chị em tôi điểm số cao hay thấp, chỉ hỏi rằng chúng tôi đã chăm chỉ và cố gắng hết sức chưa? Cha mẹ không bao bọc, nuông chiều, không dạy con nhu nhược. Ngoài giờ học, chị em tôi phải phụ giúp nấu cơm, tự giặt đồ, dọn dẹp nhà cửa, nghỉ hè thì phụ việc nhà nông từ khi 7, 8 tuổi. Nhưng dù tôi nấu cơm cháy, canh mặn cũng chưa bao giờ bị đánh mắng, mà mẹ chỉ cho tôi lần sau nấu thế nào cho ngon, còn ba cảm ơn tôi vì đi làm về mệt có cơm con gái nấu. Còn khi nào tôi mải chơi bỏ bê học hành, việc nhà thì sẽ phải viết bản kiểm điểm.
>> 55 năm chán ghét về nhà vì 'đòn roi đợi sẵn'
Cha mẹ cho chúng tôi được tự trải nghiệm và tự rút kinh nghiệm cho mình để lớn lên. Từ nhỏ, chúng tôi được uốn nắn có nền tảng tốt, cho đến khi tôi 15 tuổi, cha mẹ đã an tâm để cho con đi học xa nhà mà không cần lo lắng hư hỏng. Từ khi bắt đầu xa nhà đến khi ra trường đi làm, chúng tôi luôn luôn tự lập, tự sắp xếp kế hoạch cho cuộc sống, tự phấn đấu gây dựng sự nghiệp, có nhà riêng, có cuộc sống riêng và chăm lo phụng dưỡng cho cha mẹ.
Nhờ những bài học của cha mẹ, sau này đi làm tiếp xúc với nhiều môi trường văn hóa khác nhau, chúng tôi luôn nhận được sự tôn trọng từ đồng nghiệp, khách hàng. Dù đã ngoài 30, nhưng mỗi về nhà chị em tôi thích quây quần bên cha mẹ, ông bà, chúng tôi chia sẻ về những điều trong cuộc sống. Cha mẹ không giàu có, không thể cho chúng tôi của cải, cha mẹ chỉ cho chúng tôi tình yêu thương tốt nhất để chúng tôi lớn lên và tự bước đi trên con đường của riêng mình.
Có lẽ tôi đã may mắn so với rất nhiều bạn bè cùng thế hệ khi được nuôi dưỡng trong một môi trường tốt. Nhưng ngày nay, khi có nhiều phương pháp giáo dục hiện đại học, cuộc sống đầy đủ hơn, trẻ con có điều kiện để trưởng thành tốt hơn thì tại sao lại muốn dùng phương pháp cũ để dạy con?
Nuôi một đứa trẻ, như nuôi một mầm cây. Muốn cây ra hoa kết quả, phải theo dõi, chăm sóc từ khi còn là hạt giống, phải ngăn chặn tối đa các tác động xấu xâm hại đến cây khi cây còn non, tạo ra môi trường tốt cho cây lớn lên để đến khi cây trưởng thành mới vững chãi trước bão táp, chứ không phải đợi khi cây bệnh không thể chữa rồi mới cắt tỉa cành hư.
>> Quan điểm của bạn thế nào? Gửi bài tại đây. Bài viết không nhất thiết trùng với quan điểm VnExpress.net.