Ở Việt Nam, gần như không có ranh giới nào giữa "răn đe" và "bạo hành" trẻ nhỏ. Cho nên, chỉ khi đứa trẻ bị đánh tới mức nhập viện, hoặc mất mạng, hoặc nhiều năm sau lớn lên mới nhận thức được vết thương tâm lý vẫn còn đó, thì lúc đó xã hội mới chỉ trỏ: "Ồ, bạo hành trẻ em".
Nhưng cũng ngay sau đó (mà điển hình nhất là vụ bé Vân Anh), cứ hễ mỗi khi báo chí nói về nạn bạo hành trẻ em, là rất nhiều cha mẹ lại vào biện hộ "phải phân biệt giữa răn đe và bạo hành" (luật pháp không có sự phân biệt này, chỉ phân biệt giữa hành vi tấn công người khác và hành động tự vệ).
Trong khi đó, mục tiêu của chúng ta lẽ ra phải là ngăn chặn bạo hành trước khi nó xảy ra. Nhưng chúng ta không thể làm gì nếu không một ai can ngăn cha mẹ "răn đe" con cái. Nếu nói ranh giới răn đe và bạo lực là đánh nhưng không gây tổn hại thân thể, nghĩa là trẻ con chưa bị thương, thì chúng ta không thể can thiệp, vì hẳn là cha mẹ đang "răn đe" thôi, vậy khi nào mới có thể? Thế có khác gì cháy nhà mới đi mua bình chữa cháy?
Đầy rẫy những người đòi phải phân biệt răn đe và bạo hành. Nhưng thực tế không ai chỉ ra được lằn ranh giữa hai thứ đó. Đừng nói với tôi là "không để lại hậu quả" thì không tính là bạo hành. Vậy tức là xã hội phải đợi tới khi trẻ bị thương, hoặc bị đánh chết thì mới tính là bạo hành, hay phải đợi tới lúc đứa trẻ bị ám ảnh tâm lý thì mới can thiệp chăng?
Hậu quả phải được ngăn chặn trước khi nó xảy ra. Nhưng nếu chúng ta không biết khi nào răn đe biến thành bạo hành thì chắc chỉ có nước chờ tới lúc bác sĩ giám định thương tích cho đứa trẻ sau khi đã bị đánh quá nặng mà thôi. Mà tôi tin chắc chẳng ai đen con đi giám định thương tổn sau khi "răn đe" cả. Thế nên, chúng ta mãi chẳng vẽ được ranh giới của đánh răn đe và bạo hành.
>> Nhiều cha mẹ xem con cái là 'bao cát' để trút giận
Còn nếu nói chỉ đánh con vào nơi yếu hại, vậy cụ thể là chỗ nào? Tôi đánh vào vai, vào mông tới tụ máu bầm, miễn không ảnh hưởng gì tới sức khỏe của con nên là vẫn không sao? Tất cả những kẻ ra tòa vì bạo hành trẻ em đều biện minh rằng "vì con bướng, con lười học, con không nghe lời nên mới đánh để răn đe". Nhưng thử hói đó là răn đe hay bạo hành? Rồi lỡ xảy ra bất trắc, hàng xóm không can ngăn, thì lại bị chê vô cảm. Nhưng ở mức độ nào, liệu họ có thể can thiệp và báo với chính quyền khi cha mẹ vẫn cứ vin vào hai chữ "răn đe"?
Nhiều người vẫn coi trẻ em thuộc quyền sở hữu của cha mẹ và thân thể các em không được xem là bất khả xâm phạm với đáng sinh thành. Hơn nữa, không quá bất ngờ khi nạn nhân của bạo hành rất hay tiếp tục vòng luẩn quẩn cũ; hoặc là họ tiếp tục bị bạo hành (bởi vợ, chồng, người yêu) vì họ không thừa nhận mình đang bị bạo hành, nhầm lẫn rằng đây là thể hiện yêu thương, lo lắng, cảm thấy bình thường với bạo lực gia đình; hoặc là họ trở thành người bạo hành người phụ thuộc mình (vợ, chồng, con cái), đổ lỗi nạn nhân bị bạo hành (phải thế nào thì mới bị đánh chứ, chắc cũng không phải dạng vừa); hoặc thường có xu hướng giải quyết mâu thuẫn bằng vũ lực hoặc lạm dụng uy quyền, vì ngoài cách này ra họ cho rằng không còn cách nào khác.
Tóm lại, bạo lực mà lại còn phân chia tình huống thì những vụ bạo hành sẽ còn được dung túng dài dài. Mỗi lần có trẻ em bị bạo hành, người ta đề nghị xử nặng thì lại có cả tá người lý luận rằng "vẫn có những lúc phải dạy bằng đòn roi, có những đứa trẻ không nghiêm khắc thì nó trèo lên đầu". Thực ra, nghiêm khắc của họ là dùng bạo lực lời nói hoặc thể xác. Họ không muốn từ bỏ quyền "cho roi, cho vọt" của mình và không cảm thấy việc họ dạy dỗ bằng bạo lực có gì sai hết.
Kết quả là chẳng có gì thay đổi, không có sự phân biệt đánh trẻ em như thế nào là dạy, đánh như thế nào là bạo hành? Hàng xóm nghe đánh chửi đến mức độ nào thì mới được can thiệp?
Nếu muốn ngăn chặn bạo hành, ta cần ngăn chặn từ lúc rơm chưa bắt lửa, đừng để trẻ em bị thương tật, thương vong rồi chúng ta mới đi xử tội những người lớn, và muốn làm như thế thì cần kiên quyết loại bỏ vùng xám "thương cho roi cho vọt".
>> Quan điểm của bạn thế nào? Gửi bài tại đây. Bài viết không nhất thiết trùng với quan điểm VnExpress.net.