Tôi sinh ra trong một gia đình chuẩn truyền thống. Từ bé, ba anh em chúng tôi, chẳng có đứa nào là không bị ăn đòn từ ba và mẹ. Chúng tôi cứ làm sai việc gì, dù lớn hay nhỏ, là đều bị đánh. Trong tiềm thức của ba mẹ, không bao giờ có khái niệm dùng lời lẽ để dạy con.
Chúng tôi vì sợ đau mà không dám tái phạm những lỗi tương tự. Khi còn nhỏ cứ mỗi lần bị đánh là tôi tự hiểu rằng mình sai, dù nhiều lúc cũng tự hỏi vì sao ba không thể nhẹ nhàng nói chuyện để mình nhìn thấy lỗi sai? Khi đã trải qua những trận đòn roi kinh hoàng và nỗi ám ảnh khi bị đánh dù là giữa chốn đông người, tôi không bao giờ có thể quên được những vết thương cả thể xác lẫn tâm hồn đó.
Tôi không còn bị ba đánh từ lúc 13 tuổi, nhưng đến giờ, dù đã sắp 36 tuổi, tôi vẫn còn ám ảnh vì những trận đòn roi và những lần ăn tát từ ba. Thật sự, giờ tôi không dám nghĩ đến những trận đòn roi đó, vì nếu nghĩ đến thì tôi không thể thương ba và có hiếu nổi với ba. Tôi chỉ nhớ những lúc cuộc sống dù khó khăn nhất, ba vẫn luôn lo lắng cho chúng tôi được ăn no, mặc ấm, có gì ngon ba đều nhường cho con cái. Nhớ những lúc ba lam lũ làm thuê làm mướn cho người ta đến mức bệnh cũng chẳng dám nghỉ ngơi.
Tôi tự nghĩ rằng, có thể vì cuộc sống khó khăn nên ba đã trở nên thô bạo và cọc cằn như thế. Rằng có thể vì những áp lực từ cuộc sống đã biến ba thành người cha bạo lực. Ba chưa bao giờ đánh nhau với bạn bè hay gây nhau với hàng xóm, lại nổi tiếng là đứa con hiếu thảo. Vậy mà ba lại luôn dạy chúng tôi bằng đòn roi.
>> Nhiều cha mẹ không muốn từ bỏ quyền 'cho roi, cho vọt'
Ba mẹ tôi cũng hầu như chưa bao giờ dạy các con nói ba từ "con yêu ba" hay "con yêu mẹ", nên sự thật là bao nhiêu năm qua, dù là đứa con hiếu thảo, tôi cũng chưa bao giờ mở miệng nói được những lời yêu thương đó. Và gần như tôi cũng chưa từng nghe được những lời tương tự từ ba mẹ.
Mỗi khi về thăm nhà, lúc rời đi, tôi có thể ôm tạm biệt ba mẹ, nhưng tuyệt nhiên không nói được câu nào. Tôi nghĩ nguyên nhân chính là trong cách dạy con trong gia đình tôi đã biến cho ba từ đó thật khó khăn để thốt ra, và tôi nghĩ nhiều gia đình khác cũng đã và đang dạy con bằng đòn roi và cho rằng đó là vì muốn tốt cho con, vì yêu con, vì muốn con nên người...
Tất nhiên, chúng tôi cũng vẫn lớn lên thành người và đều là những công dân tốt, những đứa con hiếu thảo. Nhưng tôi cũng không thể quên những ký ức đòn roi ngày bé. Giờ tôi cũng có con, nhưng không bao giờ dạy con bằng đòn roi. Tôi luôn cố giải thích cho con hiểu khi con làm sai thì sẽ mang đến những hậu quả gì. Khi con lười học thì mai này con sẽ như thế nào, tương lai ra sao...
Có hôm chỉ cần tôi quát hơi lớn tiếng một chút là con đã bảo "sao mẹ không nói nhỏ nhẹ như mọi khi?". Nghe vậy, tôi lại dằn lòng mình xuống ngay. Tôi hay ôm hôn con những lúc chuẩn bị đi ngủ hay những buổi sáng vừa thức dậy, thường xuyên nói "mẹ yêu con". Nhờ đó mà con tôi cũng chủ động nói yêu mẹ. Dù chưa từng bị mẹ hay ba đánh, nhưng bao nhiêu năm qua, con vẫn là đứa trẻ ngoan ở trường và lễ phép với mọi người xung quanh.
Tôi nhớ, hồi con tôi hơn ba tuổi, tôi dắt con đi siêu thị. Khi đi qua một gian hàng bán đồ chơi trẻ em, con kéo tay tôi đòi mua một món mà ba từng mua trước đó. Tôi từ chối vì con đã có rất nhiều những món tương tự, thế là con lăn ra đất nằm khóc ăn vạ. Thay vì la hét hay tét mông con, tôi chọn cách bỏ đi, mặc con nằm đó giãy giụa.
Tôi lặng lẽ vào một góc con không nhìn thấy để âm thầm theo dõi con từ xa. Chỉ mấy phút không thấy mẹ, con ngừng khóc, hốt hoảng bật dậy nhìn xung quanh tìm kiếm. Khi về đến nhà, tôi hỏi: "Con có biết con sai ở đâu không, con có thấy xấu hổ khi nằm ăn vạ giữa chốn đông người không? Con chỉ cúi đầu im lặng. Đó cũng là lần duy nhất con ăn vạ giữa chốn đông người.
Thực tế, có rất nhiều ông bố, bà mẹ ngày nay vẫn còn dạy con theo cách "thương cho roi cho vọt". Và họ nghĩ đánh con là để răn đe, chứ không phải bạo hành con cái. Tôi cũng nghĩ rằng, rất nhiều cha mẹ ở Việt Nam cho mình quyền đánh con, chứ chẳng mấy ai nghĩ đến quyền trẻ em cả. Những ông bố, bà mẹ lúc nóng giận và đánh con đôi khi cũng chẳng nhận thức được mình đánh đau hay nhẹ? Nhưng chắc chắn kết quả của những cây roi đó ít nhiều cũng sẽ để lại những vết lằn trên da thịt con.
Thậm chí, nhiều người còn có suy nghĩ "đánh đau thì con mới sợ". Đúng là trẻ sợ thật đấy vì vừa đau, vừa xấu hổ, nhưng đến giờ tôi vẫn chưa bao giờ quên. Có lẽ lúc này, ba tôi cũng không biết được rằng tôi đã tổn thương như thế nào? Chắc ba vẫn nghĩ chúng tôi nên người là nhờ "ăn roi". Không hẳn bố mẹ nào đánh con cũng vì muốn trút giận, họ cũng đau lòng sau khi đánh đó, nhưng vẫn nghĩ đánh là tốt cho con, là cách dạy con nhanh hiểu nhất.
Tôi tin những ông bố bà mẹ dù dạy con theo cách nào, thì cũng đều mong muốn tốt cho con mình. Nên nếu có thể thì hãy dạy con theo cách mà sẽ không làm chúng tổn thương. Đánh con cũng là muốn con tốt hơn, nhưng những vết thương đó cũng sẽ theo con suốt cuộc đời.
>> Quan điểm của bạn thế nào? Gửi bài tại đây. Bài viết không nhất thiết trùng với quan điểm VnExpress.net.