Nhân đọc bài: "Đòn roi của cha mẹ khiến tôi trưởng thành nhưng vô cảm" và "Ăn roi để lớn", tôi cũng muốn chia sẻ đôi điều suy nghĩ của mình. Thực ra, tôi chưa bao giờ từng nghĩ mình sẽ viết ra những dòng này. Nhiều lúc, tôi muốn để cho quá khứ ngủ yên, nhưng sau khi đọc những chia sẻ của nhiều người về chuyện ám ảnh đòn roi, cả đêm tôi không thể nào ngủ được vì bao nhiêu ký ức đau buồn ngày bé lại trỗi dậy.
Tôi năm nay đã gần 55 tuổi rồi nhưng những chuyện buồn ngày xưa chưa bao giờ có thể phai nhòa. Thậm chí, đến tầm tuổi này mà nhiều đêm nằm ngủ, tôi còn thấy những cơn ác mộng ùa về. Tôi sinh ra trong một gia đình đông con, là con trai đầu nhưng trên tôi còn có ba người chị gái, và sau tôi còn có bốn đứa em nữa. Ba mẹ nói tôi khó nuôi nên đưa cho chú ruột nuôi đến năm lên 5 tuổi mới đưa về chăm sóc.
Khi vào lớp 1, những chuỗi ngày dài đau khổ của tôi bắt đầu với những trận đòn thừa sống thiếu chết liên miên trút xuống. Gần như không ngày nào là tôi không bị roi vọt, ăn đòn nhiều hơn ăn cơm, và những bữa cơm pha với nước mắt là chuyện rất bình thường. Ba tôi luôn tìm một cái cớ để có thể đánh con dù thật lòng đến bây giờ tôi cũng không biết mình đã mắc lỗi gì? Chẳng hạn, ngày nào đi học về tôi cũng mở vở cho ba kiểm tra, nhưng không bắt lỗi này thì ba cũng tìm lỗi khác và thế là tôi lại ăn đòn. Dù thực tế, trong vở tôi lúc nào cũng được cô phê: "Vở sạch chữ đẹp, đáng khen", thậm chí chữ của tôi còn được xem là đẹp nhất trường.
Gần như ngày nào tôi cũng bị đánh. Có những hôm, tôi bị đánh từ chiều cho đến tối. Tôi còn nhớ có lần, ba phát hiện trong tủ quần áo của mọi người có một tờ tiền nên lôi tôi ra tra khảo, đánh đập, tra hỏi xem tôi ăn cắp tiền ở đâu? Nhưng tôi làm gì dám và cũng chẳng biết nên không thể nhận tội, và kết cục là bị đánh đến tối. Theo lời ba tôi là: "Không có thì đánh cho có, có thì đánh cho chừa". Sau trận đòn ấy, tôi nằm luôn một chỗ.
Hay như có lần mẹ tôi mua về một cây chổi lông gà để quét bụi. Khi đó, tôi chừng 10 tuổi, thấy lông gà màu sắc rực rỡ nên rất thích, cầm chơi khắp nhà. Qua ngày hôm sau, ba tôi dùng chính cây chổi lông gà đó đánh tôi đến nỗi dập cả cán. Tôi bị đánh nhiều đến nỗi tụi con nít ở xóm luôn ăn hiếp, bởi vì chỉ cần đứa nào vào mách ba tôi thì lập tức ông lôi tôi ra đánh không cần biết đúng hay sai. Lâu dần, tôi không dám ra đường chơi nữa.
Thậm chí, có lần tôi qua bên nhà hàng xóm, có đứa bạn bằng tuổi học chung để hỏi bài. Trong lúc học, bạn vô tình làm đổ cây gác cửa lên đầu tôi khiến chảy máu. Vậy mà khi tôi vừa về đến nhà, ba tôi tiếp tục lôi ra đánh cho một trận sống chết vì cái tội qua nhà hàng xóm. Nói chung, lúc nào ba cũng có cái cớ để cho tôi ăn đòn. Nhiều hôm bị đánh xong, tôi không thể nào ngồi học được, nhưng hôm sau lại bị ba đánh tiếp. Còn những trận đòn mà ba dùng cây roi mây đánh đau quá ,tôi đưa tay lên đỡ thì bay luôn mấy cái móng tay là rất bình thường. Và những trận đòn cứ thế theo tôi cho đến khi tôi bước chân ra khỏi nhà.
Ở quê tôi vào mùa đông thời tiết rất lạnh và khô hanh. Lúc bấy giờ, do ăn uống thiếu thốn nên người tôi cứ khô đét, gặp ngày đông khô lạnh nên tay chân tôi nổi mốc. Vậy là giữa ngày đông lạnh giá, ba lôi tôi ra giữa trời, cứ thế đổ nước từ trên đầu xuống, mặc cho tôi lạnh run, rồi ông cào lấy cào để tay chân tôi, nói tại tôi ở dơ nên người mới bị nổi mốc.
Còn về chuyện ăn uống thì còn buồn hơn. Tôi gần như bị suy dinh dưỡng. Trong những năm của thập niên 70, khi đất nước mới giải phóng, cơm gạo có khó khăn, gia đình tôi cũng không là ngoại lệ, nhưng về căn bản cũng không đến nỗi nào. Dù chưa đến 10 tuổi nhưng tôi lúc nào cũng phải ăn cơm có "độn" khoai lang hoặc khoai mì, trong khi chị và em tôi được ăn cơm trắng.
Ba tôi nói rằng, chị tôi là con gái còn em trai tôi thì nhỏ nên được ưu tiên. Tôi cũng chẳng đòi hỏi gì, có thứ bỏ bụng là tốt rồi, khoai hay sắn thì có sao? Hằng ngày, mọi người đơm cho tôi một tô và bỏ gì thì ăn nấy. Và tôi ăn như vậy cho đến khi học hết phổ thông. 18 tuổi mà cân nặng của tôi chỉ khoảng 45 kg, người ốm tong và đen nhẻm.
Nhà tôi lúc bấy giờ tuy ở tỉnh ngay trung tâm thành phố nhưng rất rộng. Hằng ngày, tôi phải quét dọn sân vườn và tưới cây sau những buổi đi học về. Vườn khá rộng và trồng nhiều cây ăn trái: chùm ruột, mận, mãng cầu... nên lá rụng nhiều. Nếu ba tôi đi làm về mà thấy có lá cây trong vườn là coi như tôi khỏi ngủ đêm đó vì những trận đòn. Mà tưới cây cũng rất mệt, thời bấy giờ chưa có nước thủy cục, phải dùng nước giếng, cũng không có máy bơm. Ở miền Trung nắng gió quanh năm, nên ngày nào tôi cũng phải tưới để cây không bị khô. Nhưng tôi thà mệt một chút mà yên cái thân còn hơn bị đánh.
Tôi nhớ, có lần bị sốt đến nỗi tôi thấy ảo ảnh nên la hét nhưng tôi lại bị ba mắng cho. Tối đó, chị tôi thấy không ổn mới đưa tôi ra bác sĩ khám, khi đo nhiệt độ thì đã 39,6 độ. Bác sĩ phải đổ nước vào người tôi cho bớt nóng. Khi tôi lên lớp 7, ba mẹ tôi mở lại nghề sấy trà. Hàng ngày, vào chiều tối, mẹ sẽ ướp trà với hoa lài và ba giờ sáng hôm sau sẽ bắt đầu sấy. Vậy là sáng nào tôi cũng dậy giúp mẹ bỏ lửa (ngày xưa chưa có lò sấy điện, chỉ sấy thủ công).
Sau khi mẹ làm lửa xong và đi ngủ lại, tôi sẽ bắt đầu công việc của mình. Sấy trà cũng khá cực, nhất là cái tuổi đang ham ăn ham ngủ như tôi, nhưng tôi không dám vì cứ sau năm phút tôi lại phải đưa xuống trộn, nếu không sẽ bị cháy, uống vào sẽ có mùi khét. Mỗi mẻnhư vậy mất một tiếng với ba, bốn lò. Và tôi làm liên tục đến 6h30 mới xong, vừa kịp giờ tắm rửa rồi đi học.
Ttrong suốt tuổi thơ ở nhà, tôi gần như không được ba cho đi chơi. Mỗi lần đi đâu về trễ là y như rằng một trận đòn đang chờ sẵn. Đến nỗi, mẹ và các chị tôi nói rằng "chắc ba sợ mày có bầu". Năm tôi 18 tuổi, tôi còn nhớ mãi, người hàng xóm có đưa tôi một chén rượu thuốc, nói rằng uống đi cho tan máu bầm vì những trận đòn. Thú thực, tôi không biết uống rượu, chỉ cần ngửi mùi là cũng đã say rồi. Đêm đó, tôi uống xong chén rượu thì nằm luôn tới sáng. Ba dậy trước, thấy tôi say, ông rất tức giận, lấy cây đánh tôi từ trên đầu xuống, rồi lôi tôi ra sau giếng xối nước tới tấp. Cũng từ lần đó, tôi chẳng bao giờ uống một giọt rượu bia nào.
Sau khi học xong đại học, tôi tính về làm việc ở quê nhà, nhưng công việc không ổn định, lương thấp, lại bị ba la mắng liên tục, nên tôi quyết định về Sài Gòn tìm việc. Trước khi rời nhà, tôi biết không thể mang theo bất cứ cái gì của gia đình, nên đã mua một chiếc xe đạp Phượng Hoàng mới cáu, nhưng cũng không dám đem theo mình mà lấy chiếc xe đạp cũ sửa lại rồi mới thay thế đem đi (mặc dù lúc đó ở nhà tôi có ba chiếc xe máy).
Ngày rời nhà, không ai cho tôi một đồng, tôi phải hỏi mượn tiền của bạn học để làm lộ phí tìm việc. Vào Sài Gòn, tôi ở tạm bên Quận 11 mà đi làm tận Nhà Bè. Hằng ngày, tôi đạp xe đi về trong khói bụi, nhưng hỏi mượn xe máy ở nhà thì không ai cho. Tôi tìm đến nhà người quen ở trọ để tìm việc. Ban ngày đi làm, tối về tôi lại phụ giúp việc nhà cho họ để thời gian đầu tiết kiệm chi phí ăn ở. Sau này, khi công việc ổn định tôi mới ra ngoài thuê nhà ở trọ.
Sau khi em tôi vào Đại học, ba bắt tôi phải nuôi em. Dù sao cũng là em mình nên tôi chấp nhận. Được cái trời thương, tôi làm cũng có tiền. Khi chưa lập gia đình, tôi đã gửi về gần như tất cả để cho ba má, sắm sửa cho gia đình mọi thứ không thiếu cái gì. Những năm 90 mà tôi mua tặng cho nhà hai chiếc xe Dream II và nhiều xe máy khác, cũng như toàn bộ đồ gia dụng trong gia đình. Thậm chí, khi tôi lập gia đình, ba má cũng không cho vợ chồng tôi cái gì, tất cả sính lễ phía vợ yêu cầu, tôi đều bỏ tiền đáp ứng.
Ở nhà, có bất cứ chuyện lớn nhỏ gì cần đến tiền bạc là ba bắt tôi phải đóng hơn 50%. Nhiều lúc vì gấp quá, chưa có tiền, ba tôi nói những câu rất khó nghe, thậm chí có lần còn đòi vào công ty tôi quậy. Công việc có lúc thăng, lúc trầm, nhưng chưa bao giờ ba hỏi tôi ăn ở, nhà cửa như thế nào, đi làm ra sao? Cho đến nay, con gái lớn của tôi đã vào đại học nhưng ba mẹ tôi chưa bao giờ cho cháu bất cứ một thứ gì , kể cả một hộp sữa. Nhưng mỗi lần tôi về thăm là họ đòi tôi phải cho tiền người này, mua quà cho cháu kia...
Ba tôi chưa bao giờ khen tôi bất cứ thứ gì, mà luôn tìm cách chê bai mọi thứ có liên quan đến tôi, đôi khi là sỉ nhục. Bất cứ cái gì tôi mua cũng bị chê xấu, chê dở, nhưng tôi bỏ ngoài tai vì đã mua toàn hàng tốt và trên hết là làm từ cái tâm của mình. Nhưng cũng chính thái độ đó của ba mẹ mà tôi cực kỳ mất tự tin trong cuộc sống.
Chưa hết, cách đây vài năm, khi thị trường bất động sản có giá, ba tôi quyết định bán đất (được hơn chục tỷ đồng) để chia cho con cái. Lúc đó, ba mẹ tôi đang ở Sài Gòn để tôi lo chữa bệnh. Ba nói riêng tôi ba sẽ không chia phần vì "giàu có sẵn rồi". Tôi cũng chẳng buồn tranh cãi làm gì vì tôi biết tính ba có đòi cũng chẳng có. Riêng cái nhà ba đang ở, trị giá trên 9 tỷ đồng, dự kiến sẽ cho thằng út.
Cho đến nay, dù đã rời nhà hơn 30 năm, nhưng tôi vẫn còn ám ảnh những trận đòn mà không bút viết nào có thể diễn tả hết được. Thậm chí, tôi vẫn còn nằm mơ thấy những ác mộng ngày bé. Ngày nay, xã hội gọi đó là bạo hành trẻ em. Những hình ảnh, video bạo hành trên truyền thông đại chúng mà các bạn thấy chưa là gì so với tôi ngày đó. Thôi thì chuyện gì qua rồi tôi cũng không muốn nhắc lại.
Chỉ biết là, từ khi bước chân ra khỏi nhà, tôi rất ít khi về thăm. Thậm chí, Tết đến, bạn bè tôi ai cũng muốn về sum họp gia đình, nhưng tôi luôn cố gắng tìm việc làm thêm để không phải về, vì cũng chẳng ai chờ đợi mình. Sau khi mẹ mất, mỗi năm, tôi chỉ về một lần vào ngày giỗ. Còn lại, tôi chỉ cố gắng sống làm tròn trách nhiệm và bổn phận con cái mà thôi.
Ngày nay, rút kinh nghiệm từ bản thân và gia đình mình, tôi luôn giáo dục con cái như với những người bạn, luôn tạo ra sự công bằng giữa các con, khuyến khích và động viên để con có sự tự tin, tuyệt đối không chê bai và thiên vị, luôn tạo mọi điều kiện tốt nhất cho con và trên hết là cho con có tuổi thơ đúng nghĩa. Tôi viết bài này không nhằm chê trách ba mẹ, chỉ mong các bậc phụ huynh hãy thay đổi suy nghĩ, đừng dạy con bằng roi vọt và cố gắng lắng nghe con mình.
>> Quan điểm của bạn thế nào? Gửi bài tại đây. Bài viết không nhất thiết trùng với quan điểm VnExpress.net.