Tôi sinh ra trong một gia đình trí thức. Bố mẹ tôi nay đã già, họ sinh tôi (là con gái) và em trai khi đã ở tuổi trung niên. Tuy sinh ra ở những miền quê nghèo khó trong chiến tranh, nhưng bố mẹ tôi đều biết vươn lên, đều học giỏi và tốt nghiệp đại học danh tiếng những năm 60, 70 (khi mà cả huyện may ra có được một, hai người được học tới đại học).
Bố mẹ tôi được phân vào cơ quan nhà nước ở một trong những thành phố lớn và sống cuộc sống công chức cho tới khi về hưu. Bố tôi rất nóng tính. Mẹ tôi lại là người phụ nữ của gia đình, hiền lành, hay nói đúng hơn là có phần nhu nhược, sợ người ngoài đàm tiếu, nên không bao giờ dám lên tiếng trong gia đình.
Chúng tôi cũng sinh ra trong thời điểm khó khăn chung như bao nhà khác. Hai chị em tôi cả đời chỉ biết ngoan ngoãn ăn học, làm việc, chưa bao giờ làm phiền tới ai. Vì sinh ra trong khó khăn nên bố muốn con cái cố gắng phấn đấu để đổi đời, theo kiểu "hy sinh đời bố để củng cố đời con". Do vậy, chúng tôi càng phải học cật lực, đều phải đỗ trường chuyên, lớp chọn, nằm trong đội tuyển học sinh giỏi suốt những năm tới trường, ngay cả đại học cả hai cũng phải đỗ trường top đầu.
Bố luôn gây áp lực lên chúng tôi, mỗi ngày đều dò hỏi điểm số trên lớp ra sao, ai cao nhất...? Bố kèm chị em tôi học mỗi ngày cho tới hết cấp ba, luôn theo sát mọi hoạt động ở lớp, đưa đón hai con đi học để theo sát từng ngày. Những năm cấp một, cấp hai, mỗi khi tôi không giải được bài khó, hoặc không hiểu bài giảng, bố không ngần ngại "tặng" cho vài cái tát, sưng tím mặt mày. Thậm chí, nếu tôi đưa tay che mặt, thậm chí bố còn đánh vào đầu, rồi lăm lăm cây roi tre cứ chỗ nào quật được là quật. Có bữa, đang ăn cơm mà tôi làm gì không vừa ý là bố sẵn sàng cầm ghế ném thẳng vào người.
Cơ thể tôi khi ấy lúc nào cũng bầm tím, móng tay, móng chân đều bị chảy máu, thâm đen. Sau này, em trai tôi đỡ bị đòn hơn. Lên cấp ba, mùa hè trường nghỉ học, tôi hay lên thư viện thành phố để học cùng bạn. Ấy vậy mà bố lên tận nơi lôi tôi xềnh xệch về, khóa cửa bắt ở nhà. Bố bảo tôi "lên đó đàn đúm chứ học gì". Mẹ tôi có thương con thì cũng chỉ dám nói đỡ nhỏ nhẹ chứ không dám to tiếng hay vào can ngăn.
Bố tôi thường xuyên cấm hai chị em tôi không được xem TV, nên thỉnh thoảng bố có việc đi ra ngoài là mẹ tôi lại đứng canh cửa cho hai chị em xem tranh thủ một chút. Cả hai chị em tôi đều sợ bố, tới mức cứ nghe tiếng bố là rúm ró cả người lại. Khi vào cấp ba, tôi bắt đầu có triệu chứng lo sợ bất an, nhất là khi đi ngủ, trằn trọc cả đêm. Ngày đó trẻ con nên tôi đâu biết nó là gì, cho tới sau này khi đã thành đạt, được bác sĩ giải thích cho, tôi mới biết mình manh nha bị trầm cảm.
Em trai tôi cũng chẳng khá hơn tôi là bao. Ngay từ cấp ba, em đã bị chứng mất ngủ, phải thăm khám mãi mới biết là trầm cảm, vì lúc đó bệnh này còn quá mới mẻ. Tuổi đời em còn quá trẻ đã phải chạy chữa, thuốc thang, nên tóc bạc sớm. Tuy nhiên, bố tôi không thay đổi tính cách, chỉ là sợ em tôi bị nặng thêm mà không dám gay gắt quá với em.
Chúng tôi đều tốt nghiệp loại giỏi ở các trường đại học danh tiếng trong nước. Tôi tốt nghiệp trong top đầu, còn em tôi đạt danh hiệu thủ khoa đầu ra. Hai chị em tôi đều tự học tiếng Anh từ sớm, rồi xin học bổng toàn phần sau đại học tại Mỹ. Nhà tôi kinh tế chỉ khá, đủ ăn, vì bố mẹ làm công chức. Sau này bố mẹ có biết đầu tư một chút nhưng cũng chỉ đủ lo cho tuổi già, nên chúng tôi đi du học rồi đi làm với hai bàn tay trắng.
Tôi có bằng Thạc sĩ và ở lại Mỹ, đi làm nghề hot của xã hội, đạt được vị trí tốt, lương cao. Em trai tôi cũng lấy được ba, bốn bằng cấp, cao nhất là Tiến sĩ, cũng ở lại nước ngoài và có vị trí cao. Ai nhìn vào cũng kêu bố mẹ tôi nuôi dạy con giỏi. Bạn bè, xã hội cũng chỉ quan tâm đến trình độ của chúng tôi, kiếm được bao nhiêu tiền mà đánh giá con nhà gia giáo. Bố tôi nghe vậy luôn phổng mũi và đi khoe khắp nơi cách dạy con nghiêm khắc.
Nhưng thực tế trớ trêu, cuộc đời của cả hai chị em tôi đều gói gọn trong hai từ "bất hạnh". Giờ đây chúng tôi đều đang phải chống chọi với chứng bệnh trầm cảm lâu năm. Sau khi học xong, có điều kiện kinh tế, đi khám và biết chăm lo sức khỏe hơn, tôi được chẩn đoán mắc chứng rối loạn lo âu. Lúc đó, tôi bắt đầu hộc tốc đọc thêm tài liệu sách vở để tìm cách chữa trị cho cả tôi và em. Em tôi bị nặng hơn, và bắt đầu điều trị từ Việt Nam sang tới Mỹ. Em tôi do bị lâu rồi nên chữa trị phức tạp và khó khăn hơn nhiều.
Chúng tôi vẫn phải lo cuộc sống, dù hiện tại cũng bắt đầu đủ đầy, rồi lo cho bố mẹ về già song song cùng chuyện chữa trị bệnh. Tôi hay bị "axiety attack" (cơn hoảng loạn xảy ra một cách bất ngờ), nhiều lúc xảy ra ngay trong các cuộc họp cấp cao, khiến tôi có cảm giác thắt ngực, tim đập nhanh, lo lắng cực độ. Em tôi cũng nhiều lần phải đi cấp cứu do bị "panic attack" khiến người co cứng, hoảng sợ, tôi phải thức trắng túc trực ở viện.
Chúng tôi chưa bao giờ được ngủ ngon giấc, luôn trăn trở, tỉnh giấc nhiều lần trong đêm, giật mình liên tục như trẻ con, đổ mồ hôi trộm. Chúng tôi cùng chung những giấc mơ sợ hãi bị bố đánh mắng. Các bạn đừng nghĩ là cứ có thuốc, có bác sĩ, có khoa học tiên tiến thì bệnh sẽ khỏi. Nhiều người khuyên chúng tôi đừng nghĩ tới nó hay học cách tha thứ cho bố mẹ vì ai chẳng muốn tốt cho con, nhưng cơ thể có cách phản ứng của riêng nó, chứ không phải bản thân muốn là tự trấn an mình được.
Căn bệnh này có lẽ người trong cuộc hay ai từng trải qua mới hiểu được, nhiều lúc cảm giác sống không bằng chết. Hai chị em chúng tôi đang cố dìu nhau qua tháng năm như hai đứa trẻ cố cứu nhau khỏi chết đuối. Nếu được làm lại và hỏi chúng tôi có ước muốn được sinh ra hay không thì có lẽ câu trả lời là "không". Chúng tôi chưa từng kể câu chuyện cuộc đời mình một cách trọn vẹn cho bất cứ ai. Những điều tôi viết hôm nay, thực ra đã được nung nấu từ cả năm trước như một sự giải thoát, nhưng rồi lại thôi. Nhân cơ hội thời gian gần đây, nhiều bạn chia sẻ về giáo dục đòn roi nên tôi lại có động lực để viết ra hết một lần.
Chúng tôi là những con người của thế hệ không còn trẻ nữa, và cũng có thể nói là thành đạt trong mắt xã hội, nên có thể nói cũng đã có những trải nghiệm nhất định trong cuộc sống. Theo tôi, nếu có ai đó nói rằng đòn roi giúp chúng ta trưởng thành, điều đó có thể đúng một phần, nhưng nói cách giáo dục đó sẽ mang lại hạnh phúc thì chưa chắc. Mà xét cho cùng, mưu cầu cuối cùng của con người cũng là hạnh phúc chứ đâu phải cứ thành đạt, trưởng thành là xong, phải không?
>> Quan điểm của bạn thế nào? Gửi bài tại đây. Bài viết không nhất thiết trùng với quan điểm VnExpress.net.