Trong một phân đoạn trên bộ phim "Đừng làm mẹ cáu", khi sắp bị mẹ phạt đòn roi, nhân vật bé Happi có nói một câu thế này: "Trên tivi người ta nói bạo lực với trẻ em là sai trái". Và sau câu nói đó, mẹ của bé cũng đơ người không nói được gì cả. Và tôi tin là ngoài đời thực, có không ít đứa trẻ cũng đang có chung suy nghĩ với bé Happi.
Nếu ai xem bộ phim này thì sẽ thấy rõ mẹ Quỳnh của bé Happi chính là vì gánh nặng "cơm, áo, gạo, tiền" mà liên tục dùng đòn roi với bé. Tôi tin những trường hợp như vậy không phải là hiếm ở ngoài đời thực. Trẻ con giờ không còn ngu ngơ, im lặng mỗi khi bị đánh, chúng đang dần ý thức được những quyền cơ bản của trẻ em.
Con trẻ không liên quan gì đến việc chúng ta bị sếp chèn ép, khách hàng hoạnh họe hay buôn bán ế ẩm cả. Đừng biến chúng thành cái bao cát trút giận chỉ vì là đối tượng duy nhất không thể phản kháng.
Tôi là một người lớn lên từ đòn roi, quá quen với việc bị đánh, nhưng vẫn thấy ghê sợ khi nhìn thấy đứa em họ của mình quát con khi bé lười ăn. Sự hoảng loạn của đứa bé vẫn ám ảnh tôi mỗi khi nhắc đến. Trong khi đó, chị của tôi chẳng cần dùng roi vọt gì cả mà con trai của chị ấy vẫn rất nghe lời, có ý thức. Vậy nên giữa đòn roi và nên người nhiều khi chẳng liên quan tới nhau.
Tôi tin rằng, nếu được thả cửa, không có đứa trẻ nào tự nhiên mà ngoan được hết. Con ngoan hay con hư chính là hình ảnh phản chiếu từ cách dạy dỗ và tính cách của bố mẹ. Nếu như bạn phải liên tục dùng đến "biện pháp cuối cùng" là đòn roi thì rõ ràng bạn phải xem lại cách dạy dỗ thường ngày với con mình.
Ba tôi từ nhỏ sống rất cực khổ ở vùng quê đồi núi, học hành cũng không phải quá giỏi giang, xuất sắc gì. Nhưng ông cũng chưa bao giờ bị ông bà nội đánh đến độ "thừa sống thiếu chết". Đến đời của tôi thì ba mẹ kiếm tiền rất vất vả, trong khi tôi lại rất lười và học cũng thuộc dạng kém, nhưng ông cũng chỉ đánh tôi rất nương tay.
Tôi không nghĩ là bất cứ bậc cha mẹ nào (ở hiện tại) cũng nên vì cái lý do stress mà tự cho mình quyền trút giận lên con cái. Đi làm thì ai mà chẳng áp lực, bực dọc và nếu lấy lý do này thì bảo đảm ai cũng có quyền hành hạ con cái mình. Con cái được sinh ra trên đời là do quyết định của người lớn và chúng hoàn toàn chẳng có tội tình gì trong cái áp lực kiếm tiền của cha mẹ. Con cái nên là động lực để cha mẹ làm việc chứ không phải cái bao cát cho người lớn trút giận.
Có thể nói, đòn roi chính là mầm mống của bạo lực gia đình, vì rất nhiều người biện minh cho việc bạo hành bằng hai chữ "răn đe". Có những người đánh con đến bầm tím nhưng họ vẫn bảo họ chỉ đánh để răn đe thôi. Pháp luật phải vạch rõ ranh giới giữa răn đe và bạo hành, còn không thì phải cấm tiệt đòn roi thì lúc đó mới mong chấm dứt nạn bạo hành trẻ em.
Hằng năm chúng ta có những buổi tuyên truyền Luật An toàn giao thông ở các trường phổ thông, nhưng đến giờ vẫn chưa thấy chương trình tương tự về Luật và Quyền của trẻ em. Có lẽ, cũng không ít người lớn biết tới hotline 111 (con của họ cũng sẽ không biết) và cũng không dạy cho con cháu cách bảo vệ bản thân. Thật sự, chúng ta đang bảo vệ quyền lợi của trẻ em rất hời hợt.
Tôi nghĩ vấn đề cốt lõi là do chúng ta ngại thay đổi. Nếu bạn nói những điều này ra với những bậc cha mẹ, có thể họ vẫn công nhận điều đó là đúng, nhưng bảo đảm họ vẫn sẽ dạy con theo kiểu cũ. Theo tôi, điều này chỉ có thể thay đổi nếu chúng ta áp dụng tâm lý tự kỷ ám thị. Một thứ gì đó nếu được lặp đi lặp lại nhiều lần thì sẽ trở thành chân lý. Cho nên, việc của chúng ta là làm sao để tư duy "bạo lực là sai trái" phải lấn át được câu "thương cho roi cho vọt".
Chừng nào chúng ta còn nghĩ rằng "dạy con khi cần là phải đánh" thì chuyện ngăn chặn bạo hành trẻ em còn rất xa. Ở Việt Nam, chỉ khi nào việc bạo hành đã diễn ra rồi thì mới được quan tâm xử lý, chứ chẳng ai nghĩ đến việc ngăn chặn bạo hành từ trong trứng nước cả.
Câu "thương cho roi cho vọt" luôn đúng trong mọi hoàn cảnh, nền văn hóa, thời đại, nhưng tiếc là ở Việt Nam, nó thường xuyên được hiểu theo nghĩa đen. Xin đừng đánh đồng nghiêm khắc, kỷ luật với đòn roi. Có nhiều cách để khiến trẻ nghe lời hơn mà không cần đụng tay đụng chân, chỉ là chúng ta quá lười hoặc thiếu kiên nhẫn để áp dụng thôi. Đừng nghĩ rằng, giáo dục trẻ em là luôn phải dùng tới roi, rồi biện minh theo kiểu "cháu nó còn bé".
>> Quan điểm của bạn thế nào? Gửi bài tại đây. Bài viết không nhất thiết trùng với quan điểm VnExpress.net.