Tôi là người theo trường phái phản đối bạo lực, bạo hành với trẻ em (kể cả người lớn), nhưng nếu nói biện pháp giáo dục mà thiếu đòn roi thì tôi lại không đồng ý. Câu "thương cho roi cho vọt" phải hiểu đúng là kêu con nằm xuống đánh đít, khẽ tay... để con nhận thức được rằng khi cố tình làm sai, nói mãi không nghe thì chúng sẽ phải chịu hình phạt nặng hơn. Chứ không phải là dùng nắm đấm, cùi chỏ, dây điện để đánh theo kiểu tra tấn.
Ở các nước phát triển, họ không đánh trẻ em. Thứ nhất là vì người ta đề cao quyền trẻ em. Thứ hai là hệ thống pháp luật của họ cũng bao quát luôn cả việc giáo dục trẻ. Ở nước ngoài, đi học là miễn phí, nên cứ thử cúp học đi xem sẽ bị như thế nào? Còn ở ta chưa được hoàn thiện đến mức đó. Nên nhiều đứa trẻ dù được ba mẹ dạy dỗ rất tốt, nhưng khi tiếp xúc với bạn bè ở trường lại nhiễm thói hư... Cha mẹ nói miệng thì chúng lại nhờn, chỉ có đánh đòn thì mới chịu tiếp thu.
Thế nên, nếu không roi vọt thì cũng rất khó trong chuyện giáo dục trẻ, nhất là với nhưng đứa trẻ lì lợm. Cũng chính vì không hiểu cốt lõi vấn đề, nên ngành giáo dục hiện nay mới có trường hợp cá biệt là học sinh chửi cô, đánh thầy ngay giữa lớp học. Vì những quy định giáo viên không được đánh đòn, không được cho điểm thấp, không được làm "tổn thương tâm hồn" học sinh, nhưng vẫn phải đảm bảo chỉ tiêu giáo dục. nên mới có cơ sự là giáo viên bỏ nghề, học sinh lam loạn.
Chống bạo hành không có nghĩa là nhu nhược, là thả nổi, mặc cho trẻ tự biến mình thành "ông trời con". Không giáo dục hay giáo dục sai cách thì hậu quả vẫn là tạo ra cũng là như nhau. Nên vấn đề cốt cần bàn là giáo dục như thế nào, dùng biện pháp tới đâu là phù hợp... chứ có ngồi xoáy sâu vào chuyện "đánh hay đấm" thì càng bàn càng lạc đề mà thôi.
Nhưng tôi đồng ý là giáo dục con nên hạn chế tối đa việc dùng bạo lực (nhất là trong xã hội ngày nay), nhưng nói vậy không có nghĩa là giáo dục và bạo lực hoặc nuông chiều tỷ lệ thuận với nhau. Có những người cha mẹ rất thương con, trẻ hầu như chưa bao giờ phải bị đòn nhưng lớn lên vẫn rất thành công, và ngược lại. Thế nên, cốt lõi của chuyện giáo dục con cái không nằm ở chỗ đánh hay không đánh, chiều hay không chiều, mà ở mục đích của hành động đó là gì, bạn có dành cái tâm trong đó hay chỉ muốn xả cơn giận hoặc lười biếng trong việc dạy con?
Còn với tôi, những người cho rằng chuyện đánh con để con nên người chỉ là ngụy biện. Đâu riêng gì ngày xưa, xã hội bây giờ vẫn đầy rẫy những trường hợp bố đi nhậu say về đánh con nhập viện, mẹ vì giận dỗi mà đạp con gãy xương. Như thế mà gọi yêu thương, là giáo dục sao? Cha mẹ tay cầm dây điện, gậy sắt... đánh con mình rách đầu, mẻ trán, miệng thì văng tục... mà vẫn cứ nhân danh "vì thương con", chẳng qua là vì sĩ diện, không dám nhận sai.
Đừng đổ lỗi cho "cơm, áo, gạo, tiền" mà đánh con. Xã hội này cả triệu người với muôn ngàn hoàn cảnh, nhưng đâu phải ai cũng hở ra là đánh con. Cũng đừng bào chữa là "không có thời gian nên đánh là nhanh nhất", hay "không đánh thì chắc gì giờ này đã nên người". Không riêng gì bố mẹ tôi, nhiều người tôi quen biết cũng thế, từ nhỏ đến lớn chỉ giáo dục con bằng lời nói, rất hạn chế việc bạo lực, vậy mà chúng tôi vẫn thành công trong cuộc sống đấy thôi. Thế nên việc phản đối bạo lực không có nghĩa là đội con lên đầu.
Đòn roi có nhiều kiểu. Đánh con bằng tình yêu thương, dạy dỗ rất khác xa với đánh con bằng sự ngụy biện và trút giận. Tôi từ nhỏ tới lớn bị ba mẹ đánh không ít lần nhưng tôi chưa bao giờ hận họ vì biết đó là đánh để răn dạy, không bao giờ chửi rửa hay sỉ nhục con cái. Bởi vậy đừng bao giờ đánh đồng bạo lực, đòn roi là vì yêu thương con cái. Đó sẽ là một sai lầm.
>> Quan điểm của bạn thế nào? Gửi bài tại đây. Bài viết không nhất thiết trùng với quan điểm VnExpress.net.