BS.CKI Võ Trần Nguyên Duy, khoa Nội tiết - Đái tháo đường, Bệnh viện Đa khoa Tâm Anh TP HCM, chia sẻ thai phụ bị đái tháo đường trước hoặc trong lúc mang thai nếu không kiểm soát tốt đường huyết sẽ gây nguy hiểm cho cả mẹ lẫn bé. Người mẹ có thể mắc các bệnh lý tăng huyết áp, võng mạc, bệnh lý mạch vành và nhiễm trùng tiết niệu, tăng nguy cơ tiền sản giật, sản giật và bệnh đái tháo đường tuýp hai sau khi sinh. Em bé có thể bị dị tật bẩm sinh, không phát triển vào ba tháng đầu thai kỳ, thai lưu, vàng da sau sinh.
Nếu thai phụ được thăm khám, phát hiện và điều trị đái tháo đường đúng cách thì những tác động xấu đến sức khỏe mẹ và bé có thể kiểm soát dễ dàng. Thai phụ cần được bác sĩ tư vấn chế độ ăn uống phối hợp với tiêm insulin để thai nhi tăng trưởng và phát triển bình thường.
"Ở một số nước trên thế giới, thai phụ còn được dùng thuốc dạng viên để điều trị nhưng Việt Nam không được khuyên dùng do chưa có nghiên cứu sâu rộng về hạ đường huyết trên thai phụ và dị tật trên thai nhi. Insulin là thuốc duy nhất được sử dụng vì không ảnh hưởng đến thai nhi", bác sĩ Duy nói thêm.
Theo bác sĩ Duy, phụ nữ bị đái tháo đường tuýp một và đái tháo đường tuýp hai khi mang thai bắt buộc phải tiêm insulin để kiểm soát đường huyết trong thai kỳ. Với thai phụ bị đái tháo đường thai kỳ sau khi áp dụng chế độ dinh dưỡng và luyện tập trong 1-2 tuần nhưng không đạt được mục tiêu điều trị, bác sĩ sẽ chỉ định tiêm insulin.
Căn cứ vào mức đường huyết, thời điểm tăng đường huyết, tình trạng kháng insulin, bác sĩ sẽ đưa ra phác đồ tiêm phù hợp cho từng người bệnh. Trong trường hợp thai phụ gặp các biến chứng cấp như tăng ceton, tăng đường huyết nặng, nhiễm trùng, sụt cân không rõ nguyên nhân... bác sĩ sẽ hội chẩn và dùng insulin theo đề nghị của chuyên khoa Nội tiết - Đái tháo đường. Điều này giúp kiểm soát, duy trì ổn định glucose đạt mục tiêu.
Mẹ bầu phải tiêm insulin theo đúng chỉ định, không được tự ý ngừng tiêm hoặc điều chỉnh liều lượng nếu chưa có sự đồng ý của bác sĩ. Đường huyết cần kiểm tra vào các thời điểm như lúc mới ngủ dậy, trước và sau bữa ăn chính từ 1-2 tiếng, sau đó ghi chú kết quả. Chỉ số bình thường của lượng đường huyết khi đói và trước bữa ăn chính là dưới 95 mg/dl; sau khi ăn một tiếng dưới 140 mg/dl; sau khi ăn hai tiếng dưới 120 mg/dl. Nếu các chỉ số bất thường, mẹ bầu nên điều chỉnh chế độ ăn, luyện tập thể dục và hỏi ý kiến bác sĩ để được tư vấn giải pháp phù hợp.
Người có nguy cơ cao bị đái tháo đường thai kỳ gồm: béo phì, buồng trứng đa nang, tiền sử gia đình có người mắc bệnh, có tiền sử bị đái tháo đường ở những lần mang thai trước đó... Chị em sau khi sinh em bé khoảng 4-12 tuần nên khám bác sĩ chuyên khoa Nội tiết - Đái tháo đường để được tầm soát xác định bệnh. Tuy nhiên cũng có nhiều trường hợp, sau khi sinh bé, đường huyết của sản phụ trở lại bình thường, chứ không mắc bệnh tiểu đường. Bởi quá trình mang thai, nội tiết tố của người mẹ thay đổi, ảnh hưởng đến hoạt động insulin dẫn đến rối loạn lượng đường huyết trong thời kỳ mang thai.
Chế độ ăn uống cho thai phụ mắc bệnh tiểu đường
Bác sĩ Duy chia sẻ thêm, 90% thai phụ kiểm soát tiểu đường thai kỳ hiệu quả nhờ tuân thủ đúng chế độ dinh dưỡng bác sĩ đã tư vấn. Bữa ăn của thai phụ cần đủ các chất dinh dưỡng với tỷ lệ 40-50% carbohydrat, 20-30% protid, 30% lipid cùng một số khoáng chất, vitamin... Thai phụ cần chia nhỏ lượng thức ăn thành 3 bữa chính và 2-4 bữa phụ và uống khoảng 2-2,5 lít nước để hạn chế tình trạng đường huyết tăng đột ngột mà vẫn đảm bảo nguồn dinh dưỡng.
Tùy theo BMI (dựa theo chiều cao, cân nặng) của người mẹ trước khi mang thai mà lượng carbohydrat cho bữa chính có thể dao động từ 30-60 gam, bữa phụ từ 15-30 gam. Một suất ăn tương đương với 15 gam carbohydrat tương đương: 1/3 chén cơm trắng; một lát bánh mì; 1/2 cái bánh hamburger; 1/2 lạng bánh phở; 1/2 lạng bún; 1/2 chén bắp hoặc đậu xanh, đậu đen; 1/2 lạng khoai lang.
Bác sĩ Duy khuyên mỗi ngày, mẹ bầu nên dành ít nhất 30 phút đi bộ, thực hiện các động tác thể dục nhẹ nhàng để đảm bảo cơ thể luôn khỏe mạnh. Kiểm soát tốt chế độ ăn uống, vận động phù hợp, tiêm insulin đúng cách sẽ giúp mẹ bầu hạn chế các rủi ro cho mẹ và bé.
Nguyễn Trăm