Đối với nhiều người, việc uống một ly rượu thường xuyên không gây ra vấn đề gì. Hầu hết người bệnh tiểu đường thỉnh thoảng có thể thưởng thức đồ uống có cồn. Tuy nhiên, uống nhiều rượu có thể ảnh hưởng đến lượng đường trong máu và gây nguy hiểm cho sức khỏe người bệnh.
Theo tờ Medical News Today (Mỹ), người bệnh tiểu đường uống nhiều rượu có thể dẫn đến lượng đường trong máu hạ thấp một cách nguy hiểm. Điều này là do gan phải làm việc để loại bỏ cồn ra khỏi máu thay vì chỉ quản lý đường huyết. Rượu khiến cơ thể không nhận thức được tình trạng đường huyết thấp.
Một số triệu chứng của đường huyết thấp khi uống quá nhiều rượu: hoang mang, buồn ngủ, mờ mắt, đau đầu, chóng mặt, phối hợp kém, bất tỉnh. Các triệu chứng này có thể đột ngột xuất hiện và nguy hiểm nếu không có sự chuẩn bị trước.
Rượu còn kích thích sự thèm ăn, khiến người bệnh tiểu đường ăn quá nhiều có thể dẫn đến tăng lượng đường trong máu. Uống rượu cũng ảnh hưởng đến hiệu quả giảm cân, người bệnh khó duy trì chế độ ăn lành mạnh. Rượu cũng có thể làm giảm hiệu quả của một số thuốc tiểu đường và làm tăng huyết áp.
Uống rượu nhiều còn làm cản trở lượng hormone cần thiết để duy trì đường huyết khỏe mạnh. Về lâu dài, lượng rượu dư thừa quá mức có thể làm giảm hiệu quả tổng thể của insulin, dẫn đến lượng đường trong máu cao. Những người có vấn đề về lượng đường trong máu nên tránh tiêu thụ đồ uống hỗn hợp và cocktail. Những thức uống này thường chứa đầy đường và calo rỗng làm tăng lượng đường trong máu.
Trong trường hợp có lịch sự kiện, tiệc tùng có thể phải "nâng ly", người bệnh tiểu đường nên kiểm tra đường huyết trước và sau khi uống 24 giờ. Nên ăn tinh bột trước khi uống để đảm bảo lượng đường huyết ổn định. Người bệnh có thể mang theo đường glucose khi uống rượu để phòng trong trường hợp khẩn cấp.
Hiệp hội Đái tháo đường Mỹ (ADA) đưa ra một số khuyến nghị cho người bệnh tiểu đường khi uống rượu: Phụ nữ không nên uống nhiều hơn một ly và đàn ông không nên uống nhiều hơn hai ly mỗi ngày. Không uống khi bụng đói hoặc khi lượng đường trong máu thấp. Không uống rượu trong bữa ăn và không coi rượu là một thực phẩm trong lựa chọn carbohydrate.
Ngoài ra, ADA cũng khuyên người bệnh khi uống rượu nên nhấm nháp từ từ, giữ đủ nước bằng cách uống thêm nước hoặc soda ăn kiêng, nên uống một ly bia nhẹ hoặc rượu vang. Người bệnh cũng cần cảnh giác với các loại bia rượu nặng sản xuất thủ công vì những đồ uống này có thể chứa gấp đôi lượng cồn và calo hơn loại nhẹ.
Theo Medical News Today, rượu còn là một chất gây trầm cảm vì làm suy giảm hệ thống thần kinh trung ương. Ở một người bình thường, gan phân hủy khoảng một lượng cồn tiêu chuẩn mỗi giờ, chất cồn không phân hủy sẽ di chuyển khắp cơ thể ảnh hưởng đến mọi cơ quan. Uống một lượng thấp, rượu có thể hoạt động như một chất kích thích như làm một người cảm thấy hạnh phúc hơn hoặc nói nhiều hơn. Tuy nhiên, uống quá nhiều rượu có thể làm suy giảm cơ thể.
Mai Cát
(Theo Medical News Today)