Nghi lễ Tịch điền rằm tháng Giêng
Lễ Tịch điền không chỉ gói ghém chiều dài của nền nông nghiệp lâu đời của dân tộc mà còn thể hiện khát vọng từ cánh đồng của nông dân.
"Tịch điền" theo từ điển Hán Việt có nghĩa là ruộng do đích thân nhà vua xuống cày. Lễ Tịch điền được tổ chức nhằm khích lệ nông dân phát triển nông nghiệp, lấy nghề nông làm gốc, cầu cho mưa thuận, gió hòa, mùa màng bội thu...
Theo sử sách ghi lại, lễ Tịch điền đầu tiên được vua Lê Đại Hành tổ chức và đích thân vua xuống đồng cày ruộng ở chân núi Đọi Sơn (Duy Tiên, Hà Nam) vào đầu xuân năm Đinh Hợi, niên hiệu Thiên Phúc thứ 7 (năm 987). Từ đó về sau các triều đại Lý, Trần, hậu Lê, Nguyễn nối tiếp nhau long trọng cử hành nghi lễ Tịch điền, đích thân vua xuống đồng cày ruộng với các hình thức khác nhau.
Nghi lễ tái hiện vua Lê Đại Hành xuống đồng cày ruộng. Ảnh: Bộ Nông Nghiệp và Phát triển Nông thôn |
Sau hàng trăm năm bị gián đoạn, lễ hội Tịch điền được khôi phục lần đầu vào mùng 7 tháng Giêng năm Kỷ Sửu (năm 2009). Từ đó, lễ hội Tịch điền Đọi Sơn được tổ chức trang trọng vào ngày mùng 7 tháng Giêng hàng năm.
Nhằm tái hiện huyền tích vua Lê Đại Hành làm lễ Tịch điền, một lão nông hóa trang vua Lê Đại Hành bước lên lễ đài khấn cáo vua Lê và Thần Nông rồi xuống ruộng dắt trâu đi cày, khởi đầu mùa vụ, mang đến lúa gạo, nhà nhà no đủ; theo sau vua là đoàn gieo hạt giống gồm ngô, lạc và thóc.
Bên cạnh các nghi lễ và diễn xướng, các hoạt động văn hóa, nghệ thuật, thể thao được tổ chức trong không gian linh thiêng: rước chân nhang vua Lê Đại Hành từ đền Lăng, xã Liêm Cần, Thanh Liêm về xã Đọi Sơn, lễ rước nước, lễ sái tịnh...
Lễ Tịch điền không chỉ mang ý nghĩa nhân văn sâu sắc, thể hiện sự quan tâm của các vị vua đối với người nông dân mà còn giáo dục thế hệ trẻ về truyền thống văn hóa dân tộc, lòng biết ơn tiền nhân, tích cực phát triển sản xuất nông nghiệp.
Phạm Mơ