Thứ bảy, 20/4/2024
Thứ tư, 22/1/2020, 15:00 (GMT+7)

Thú vui thưởng trà mứt dịp Tết của người Việt

Ngày Tết nhiều gia đình có thói quen quây quần, tâm tình chuyện đầu năm bên ấm trà nóng hổi như một cách gìn giữ nếp nhà Việt.

Thưởng trà - mứt là một nét đẹp trong văn hoá ẩm thực Tết cổ truyền dân tộc. Trên bàn trà của mỗi gia đình thường bày chút mứt Tết và ấm trà ngon thiết đãi khách quý. Thưởng thức ly trà nóng hổi, nhâm nhi mứt ngọt lành, tâm tình dăm ba câu chuyện khiến ngày xuân đầu năm thêm ấm cúng.

Không phải ngẫu nhiên mà người Việt để mứt đi chung với trà. Sau khi ăn một miếng bánh ngọt, người ta lại thèm một chút đắng chát ban đầu của trà để làm dịu đi, hương vị đọng lại cuối cùng là vị ngọt hậu của trà, của mứt.

Thú vui thưởng trà mứt của người Việt dịp Tết

Khay trà - mứt đa dạng màu sắc, hương vị.

Mỗi búp trà kết tinh tinh hoa của đất trời, qua bàn tay của người trồng nâng niu chăm sóc, bàn tay của những người nghệ nhân sao trà, ướp trà trở thành thứ đồ uống đậm vị. Thưởng trà không dành cho người vội vã. Tết chính là khoảng thời gian để mỗi người từ từ cảm nhận vị trà, từ đắng đến chát và cuối cùng đọng lại vị ngọt thanh nơi đầu lưỡi.

Với người Việt, nghệ thuật pha trà được gói trọn trong câu: "Nhất thủy, nhì trà, tam bôi, tứ bình, ngũ quần anh" (những yếu tố quan trọng để tạo nên ấm trà ngon lần lượt là: nước pha trà, loại trà, chén uống trà, bình pha trà, bạn trà).

Thú vui thưởng trà mứt của người Việt dịp Tết - 1

Pha trà ngon là một nghệ thuật, đòi hỏi sự cầu kỳ, chính xác cao.

Cùng với trà, mứt Tết không chỉ là những món ăn chơi mà còn ấp ủ những mong ước cho một năm mới tốt lành, mọi điều viên mãn.

Xưa kia, mứt là một trong những tinh hoa ẩm thực cung đình, chuyên dâng lên vua, chúa. Đây cũng là một sáng tạo của người Việt trong cách chế biến và bảo quản các loại nông sản. Mứt gừng vàng ươm đượm vị cay nồng, mứt dừa trắng tinh thơm ngậy hay mứt sen ngọt bùi... là những loại mứt người Việt ưa chuộng dịp Tết.

Mứt gừng được ưa thích bởi quan niệm "gừng cay, muối mặn" chỉ tình cảm gắn bó, thủy chung, son sắt giữa người với người. Chúng mang ý nghĩa cuộc sống đầm ấm, hạnh phúc trong năm mới. Bên cạnh đó, gừng có tính nóng có tác dụng làm ấm người, kích thích tiêu hóa, giải độc, đau bụng, phù hợp trong dịp Tết se lạnh của người Bắc.

Mứt dừa dai dai cũng được ưa chuộng trong những buổi gặp gỡ đầu năm. Nếu trước đây, mứt dừa chỉ có màu trắng thì ngày nay, người làm đã biến tấu chúng với nhiều màu sắc bắt mắt khác như xanh, tím, cam, nâu...

Thú vui thưởng trà mứt của người Việt dịp Tết - 2

Mỗi loại mứt tết chứa đựng những ý nghĩa nhân sinh riêng.

Mứt hạt sen không chỉ mang hương vị thơm ngon, bổ dưỡng mà còn có ý nghĩa một năm mới sum họp, con cháu đầy nhà. Vị thanh mát, bùi bùi của mứt hạt sen kết hợp với trà nóng rất chuẩn vị tết.

Đậu phộng cũng là món nhấm nháp với trà yêu thích của nhiều người. Chúng còn được gọi là "hạt trường thọ" vì chứa nhiều dưỡng chất tốt cho sức khoẻ. Hạt đậu phộng có màu trắng ngần của đường bọc ngoài, bùi bùi của nhân lạc.

Những trái quất vàng ươm, sai trĩu quả tượng trưng cho thịnh vượng và tài lộc cũng được chế biến thành món mứt bùi bùi độc đáo. Mứt quất hoàng kim với màu vàng sóng sánh, vị chua ngọt dịu dịu, dễ ăn. Trong tiết trời đầu xuân se lạnh, dùng mứt quất cùng trà nóng để làm ấm cơ thể, kích thích tiêu hoá và tránh được bệnh cảm, ho.

Thưởng trà - mứt là thú vui tao nhã, thanh lịch của người Việt. Sau một năm bận rộn, ngày Tết, các thành viên ngồi quây quần bên ấm trà, tâm tình chuyện đầu năm là một cách để thấu hiểu, gần gũi và sẻ chia.

Phạm Mơ

Chia sẻ bài viết qua email