Người trồng đào lo lắng vì hoa nở sớm
Nắng nóng, nồm ẩm nhiều ngày khiến các gốc đào tại làng hoa Nhật Tân nở dồn dập, người dân lo trắng tay.
Làng Nhật Tân những ngày này rợp trong sắc hồng của đào. Các cánh hoa bung nở, rực rỡ cả một góc trời do thời tiết nắng nóng kéo dài trước đó. Nhiều chủ vườn thở dài xót xa khi nhìn hoa rụng kín gốc.
Vườn đào của ông Nguyễn Tiến Trường (tổ 22 cụm 3 phường Nhật Tân, quận Tây Hồ) có 300 gốc. Đến thời điểm này ông mới bán được hơn 20 cây. "Mọi năm tôi thu về hơn 100 triệu đồng, nhưng năm nay chưa nổi một phần ba vì cây nở hoa sớm, mọi người sợ không đủ để chơi Tết", ông Trường cho biết.
Hoa đào nở sớm rụng đầy gốc cây. |
Theo người dân tại làng đào Nhật Tân, năm nay đào nở không phải là sớm, tuy nhiên nở nhanh, dồn dập, khó kiểm soát. Dựa trên dự báo thời tiết, bà con chủ động lùi lịch tuốt lá xuống nửa tháng, đến 15 tháng 11 Âm lịch nhưng chỉ đầy một tháng sau, khí hậu chuyển nóng ẩm liên tục nhiều ngày làm đào trổ hoa không ngớt. Người dân xoay xở bằng cách tưới nước lạnh và phân ure cho cây nhưng không cải thiện được tình trạng.
Giá đào vì vậy mà sụt giảm mạnh. "Mọi năm những cây có thế đẹp, to có thể bán được với giá từ 1 đến 2 triệu đồng nhưng năm nay chỉ được khoảng 500.000 đồng", ông Trường nói.
Ông cũng cho biết, với những cây nhỏ, nếu khách trả thấp quá sẽ không bán. Ông để chăm sóc cho cây lớn với hy vọng năm sau bán được giá hơn.
Ông Trường tuốt cánh héo, "cứu" cây để bán. |
Cũng gặp tình trạng như ông Trường, sau một đêm, hơn 100 trên tổng 300 cây đào của bà Nguyễn Thị Hoàn bung nở hoàn toàn, có những gốc 50.000 đồng bà cũng bán. Những gốc đào đã nở, người dân bán tháo, bán nhanh với mức giá rẻ như cho. Với cây còn lưu lại nhiều nụ, họ loại bỏ hoa tàn, tuốt lá để bán cận Tết. "Tuốt đẹp lại một chút là vẫn khối người mua, còn hơn là bỏ đi", bà Hoàn chia sẻ.
Sáng sáng, bà Hoàn lại cắt các cành nhỏ, buộc thành bó và mang ra chợ tiêu thụ với giá 20.000 đồng.
Bà Hoan xếp cành đào thành từng bó để mang ra chợ Quảng Bá bán. |
Trồng đào là nghề truyền thống của mỗi gia đình ở Nhật Tân. Sự gắn bó và niềm yêu mến loài cây này đã được truyền qua nhiều thế hệ người dân nơi đây.
Ông Trường đã trồng đào hơn 20 năm nay. Từ khi còn 5, 6 tuổi, ông thường theo bố mẹ ra vườn tuốt lá. Dù vụ này mất trắng, ông sẽ vẫn tiếp tục làm nghề.
"Có nhiều nghề kiếm tiền nhanh hơn, đỡ vất vả hơn. Nhưng đã là nghề của cha ông truyền lại, nói bỏ là bỏ sao được. Đây cũng là nét đẹp truyền thống nên được giữ gìn và phát triển", ông Trường khẳng định.
Ngọc Ly