Thứ ba, 14/5/2024
Thứ tư, 22/1/2020, 20:00 (GMT+7)

Mô hình chăn nuôi gà đồi ở Phú Thọ

Hợp tác xã An Phú (Thanh Sơn, Phú Thọ) nuôi hàng nghìn con gà thả đồi, sẵn sàng phục vụ thị trường Tết. 

Trước đây, các hộ chăn nuôi nhỏ lẻ theo phương pháp truyền thống nên việc kiểm soát chất lượng đầu vào, dịch bệnh. Một đàn gà bị bệnh là cả vùng mắc dịch, gà chết nhiều. Đến năm 2016, các hộ chăn nuôi liên kết thành hợp tác xã nông nghiệp để phát triển quy mô lớn, kiểm soát dịch bệnh, chất lượng đầu vào đầu ra.

Ông Phạm Quốc Tuân, Giám đốc Hợp tác xã An Phú chia sẻ, đơn vị chịu trách nghiệm phát triển đầu vào, đầu ra của sản phẩm. Ban lãnh đạo nghiên cứu, lựa chọn những giống gà thương phẩm chất lượng cao, tập huấn kỹ thuật chăn nuôi mong muốn đem lại thu nhập cao cho thành viên. 

Gà nuôi 5 tháng đạt 1,8 – 2,5 kg/con.

Gà nuôi 5 tháng đạt 1,8 – 2,5 kg/con.

Với 24 hộ thành viên, hợp tác xã An Phú phát triển mô hình chăn nuôi bán chăn thả giống gà ri Lạc Thủy với tổng đàn gà 350.000 con/năm. Giống gà có sức đề kháng tốt, bộ lông dày, thích nghi với thời tiết lạnh nơi đồi núi. 

Mặt bằng tốt để nuôi gà phải tuân theo những nguyên tắc: độc lập, cách xa khu dân cư, cách ly những khu vực đông người, dễ lây nhiễm bệnh tật để một thành viên có thể nuôi 5000-10.000 con, đảm bảo thu nhập cho người dân.

Mật độ nuôi thích hợp 8 -10 con/m2 chuồng, 2 – 3 con/m2 vườn. Chuồng nuôi được rải lớp mùn, trấu dày 5 – 7cm, thường xuyên khử mùi bằng men vi sinh. Thức ăn cho gà chủ yếu là các loại cám ngô, cám gạo ủ men để giúp gà tiêu hóa tốt, tránh bệnh đường ruột. 

Đàn gà được hoàn thiện quy trình vắc xin trong 45 ngày đầu. Đội ngũ kỹ thuật và thú y kiểm tra định kỳ 2 lần/tuần để theo dõi tình hình dịch bệnh, có giải pháp kịp thời. Trước khi xuất chuồng 10 ngày, đội ngũ kỹ thuật lấy mẫu máu của gà, đưa lên phòng thú y xét nghiệm, đảm bảo đưa ra thị trường những sản phẩm sạch, chất lượng.  

Ông Phạm Quốc Tuân (bên trái) giới thiệu về mô hình nuôi gà.  

Ông Phạm Quốc Tuân (bên trái) giới thiệu về mô hình nuôi gà.  

Hợp tác xã thực hiện quy trình nuôi gà bán chăn thả (chuồng – vườn) theo hướng chuyên nghiệp, gà nuôi 4 - 5 tháng, đạt 1,8 – 2,5 kg/con. Gà khỏe và thường xuyên vận động nên thịt thơm ngon, săn chắc, da có màu vàng ươm. 

Ngoài cung ứng gà thịt nguyên lông tại các chợ đầu mối lớn, sản phẩm gà thịt của hợp tác xã đóng túi hút chân không, dán tem truy xuất nguồn gốc, có mặt tại các cửa hàng thực phẩm sạch ở Hà Nội. 

Sản lượng bán ra của hợp tác xã  trung bình là 2 tấn/ngày, dịp cao điểm có thể lên tới 4 tấn/ngày. Toàn bộ sản phẩm của xã viên đều do hợp tác xã thu mua theo giá cố định, phân phối trên địa bàn các tỉnh: Hà Nội, Phú Thọ, Vĩnh Phúc... 

"Nhờ quy trình chăn nuôi khoa học, không chỉ chất lượng sản phẩm được nâng lên mà chi phí đầu vào lại giảm đi đáng kể. Hợp tác xã áp dụng phương án sản xuất theo đơn đặt hàng, không chăn nuôi ồ ạt nên hiếm khi bị dư thừa. Sau khi trừ chi phí, mỗi thành viên có thể thu lãi từ 40 - 50 triệu đồng/1.000 con gà", ông Tuân nói thêm.

Quy trình úm gà được thực hiện tại khu riêng biệt.

Quy trình úm gà được thực hiện tại khu riêng biệt.

Anh Đinh Văn Tuyên 34 tuổi, thành viên hợp tác xã cho biết: "Trước đây, nhà nông không đối mặt với dịch bệnh, lỗ vốn thì bị thương lái ép giá. Từ khi tham gia hợp tác xã, các hộ thành viên được tập huấn nhiều kiến thức mới: giống gà, cách ủ men vi sinh, đệm lót sinh học".  

Mô hình chăn nuôi gà đồi theo hướng an toàn sinh học của hợp tác xã nông nghiệp An Phú góp phần nâng cao đời sống của người dân,  phát triển kinh tế vùng.

Phạm Mơ

Chia sẻ bài viết qua email