Thứ ba, 23/4/2024
Thứ bảy, 24/8/2019, 13:00 (GMT+7)

Hạt mắc ca, sản vật của cao nguyên Lâm Đồng

Tại cao nguyên Lâm Đồng, cây mắc ca được trồng  xen lẫn với cà phê, mỗi năm cung cấp ra thị trường 120 tấn hạt.

Mắc ca vốn có nguồn gốc từ Australia, Trung Quốc, Mỹ và một số nước châu Phi, Nam Mỹ. Năm 2016, loại cây này được đưa về Việt Nam, trồng thử nghiệm đầu tiên ở tỉnh Lâm Đồng, tại một số vùng có thổ nhưỡng phù hợp như Bảo Lộc, Bảo Lâm, Di Linh, Đơn Dương, Đức Trọng, Lâm Hà.

Tại nhiều miệt vườn, mắc ca được trồng xen với cà phê để vừa tận dụng nguồn nước tưới, vừa tạo bóng mát cho cà phê. Khi phát triển, cây mắc ca trưởng thành thường cao đến 12m, tỏa bóng rộng. Mùa mắc ca trái vụ so với cà phê giúp người nông dân bớt phụ thuộc vào duy nhất một loại cây, đảm bảo thu nhập khi cà phê xuống giá.

Hạt mắc ca tươi khi chín già sẽ tự rụng vào khoảng tháng 10-11 hàng năm.

Hạt mắc ca tươi khi chín già sẽ tự rụng vào khoảng tháng 10-11 hàng năm.

Cây mắc ca giống ghép thường bắt đầu cho quả sau 3 năm. Cây ra hoa vào tháng 2-3, đến tháng 10-11 quả mắc ca bắt đầu chín già, tự rụng cũng là lúc người dân vào vụ thu hoạch. Cây càng lâu năm sản lượng càng cao, ước tính 120 tấn một ha.

Quả mắc ca sau khi thu hoạch được bóc lớp vỏ xanh, phơi gió khoảng 3 tháng dưới mái che, không ánh nắng để giữ dưỡng chất và hương vị. Nhân hạt mắc ca giòn, thơm, ngọt thanh, béo ngậy, chứa nhiều dưỡng chất có lợi cho sức khỏe. Loại hạt này sạch và an toàn nhờ lớp vỏ gỗ cứng bảo vệ nhân hạt khỏi tồn dư phân bón và hoá chất khác. Hạt khô đạt tiêu chuẩn sẽ được đem đi đóng gói hoặc làm mứt.

Người dân thu hoạch những trái mắc ca rụng.

Người dân thu hoạch những trái mắc ca rụng.

Không chỉ đắt khách ở thị trường trong nước, hạt mắc ca Lâm Đồng đã vươn ra những thị trường "khó tính" như Hàn Quốc, Australia. Tháng 3 vừa qua, khoảng 10 tấn hạt mắc ca thành phẩm đã được xuất sang Hàn Quốc, Australia. Các sản phẩm đã qua chế biến và xuất khẩu gồm hạt mắc ca sấy nhân, mắc ca sấy nguyên vỏ, kẹo mắc ca... Với giá trị kinh tế nổi bật, mắc ca đang vươn lên trở thành "nữ hoàng" hạt khô tại Lâm Đồng, mở ra hướng đi mới cho người nông dân cao nguyên chuyển đổi cơ cấu cây trồng và làm giàu.

Linh Phương

Chia sẻ bài viết qua email