Bưởi đỏ Đông Cao
Bưởi Đông Cao nhuộm một màu đỏ mận từ trong ra ngoài, múi nào múi nấy căng mọng, vị chua dịu không đắng.
Đặc sản lâu đời
Bưởi đỏ được ông Đàm Văn Tiến ở xóm 2 đem về địa phương trồng. Khi bưởi lớn và cho ra quả vào đầu tháng 8, gia đình ông đã hái hết số bưởi mang đi bán. Nhưng có một vài quả giữ lại trên cây, chuyển màu càng ngày càng đỏ, vỏ căng mịn bắt mắt.
Thấy giống bưởi lạ, ngon, người dân địa phương tới xin ông Tiến chiết cành về trồng. Loại quả này xuất hiện ngày càng nhiều tại thôn Đông Cao, lan ra các thôn khác. Thời điểm ấy, người ta thường so sánh giá trị của một quả bưởi bằng một đấu gạo, vì lạ mắt và ngon miệng. Tới nay bưởi đỏ Đông Cao vẫn được người dân gọi là "bưởi đấu gạo". Bưởi đỏ thường xuất hiện trong mâm ngũ quả vào ngày Tết, hay mang đi biếu, tặng người thân, họ hàng trong dịp lễ.
Trận lũ lịch sử năm 1971 tại Đồng bằng sông Hồng đã quật ngã một số gốc bưởi tại địa phương khiến diện tích bưởi đỏ thu hẹp. Cuối những năm 90, đầu năm 2000, khi nền nông nghiệp có sự tái cơ cấu, cả ngôi làng ven đô đều chuyển sang trồng một số loại cây khác. Những gốc bưởi đỏ thay thế bởi hồng xiêm, hoa hồng Pháp và rau màu. Đến tận đầu năm 2010, bưởi Diễn lên ngôi và bưởi đỏ gần như bị quên lãng, chỉ còn sót lại tại một số hộ.
Bưởi đỏ - đặc sản vùng đất Đông Cao. Bưởi đỏ khi còn non cũng giống như các loại bưởi khác, vỏ màu xanh; nhưng đến khi già bắt đầu chuyển từ màu vàng sang đỏ rực như gấc. Bưởi đỏ thôn Đông Cao có hai loại: bưởi ngọt (bưởi lũm) và bưởi chua (bánh men). |
Theo lời Giám đốc Hợp tác xã Bưởi đỏ Đông Cao, ông Lương Văn Phương, người sở hữu 3 cây bưởi đầu dòng được chiết ra từ gốc cây của ông Tiến, cho biết, năm 2014, Sở Nông Nghiệp & Phát triển Nông thôn Hà Nội biết đến giống bưởi đỏ quý hiếm tại địa phương nên đã tuyển ra cây đầu dòng. Ông Phương kế cận và nhân giống, phát triển cho bà con lân cận. Nhận thấy những giá trị về mặt đời sống, kinh tế, văn hóa của bưởi đỏ, nhiều hộ gia đình đã quay trở lại trồng và phát triển giống cây này.
Cây bưởi đầu dòng có từ năm 1967 là 1 trong số 250 cây được bảo tồn gen hiện nay. |
Bưởi bắt đầu cho thu hoạch từ tháng 8 – 12 âm lịch. Một số đơn vị muốn mua bưởi đỏ phải đặt trước 2 tháng. "Các cây lâu đời từ 30 – 40 năm cho sản lượng khoảng 200 quả một năm. Năng suất này rơi vào 90 – 120 quả đối với những cây từ 10 – 20 năm. Mỗi quả nặng trung bình 0.8 – 1.2kg, giá dao động từ 80.000đ – 90.000đ. Tết bưởi sẽ có giá gấp đôi", ông Phương nói.
Lưu giữ giống bưởi quý
Tháng 1/2019, Hợp tác xã Bưởi đỏ Đông Cao ra đời nhằm mục đích bảo tồn gen và duy trì giống cây bưởi đỏ, đồng thời phát triển kinh doanh thương mại cho các hộ dân. Theo thống kê của Uỷ ban nhân dân xã, hiện nay, Hợp tác xã có 20 hộ trồng bưởi đỏ với khoảng 2500 cây, rải ở 4 khu hành chính, trong đó tập trung ở xóm 3 thôn Đông Cao.
Bên cạnh những điều kiện thuận lợi về khí hậu, thổ nhưỡng và nguồn giống lâu đời, người dân tập trung vào việc cải tạo đất trồng, cải tiến kỹ thuật và giữ nguồn gen, nâng cao tính trội của bưởi đỏ.
Bưởi đỏ là niềm tự hào của người dân Đông Cao. |
Các hộ gia đình đã chuyển đổi mô hình trồng bưởi đỏ từ canh tác thông thường, vô cơ sang hữu cơ như rắc vôi bột, bón phân hữu cơ để giảm độ phèn cho đất, tưới nước sạch cho cây bưởi, thực hiện bao trái khi bắt đầu trưởng thành để đạt chất lượng và năng suất cao, kéo dài thời gian thu hoạch đến dịp tết Nguyên đán.
Từ khi thành lập, Hợp tác xã đã tổ chức những cuộc họp để trao đổi kỹ thuật, định hướng sản xuất giúp chất lượng và màu sắc của bưởi được cải thiện.
Các cuộc họp trao đổi kĩ thuật và nâng cao chất lượng sản phẩm. |
Ông Đàm Văn Thìn, Phó Chủ tịch xã Tráng Việt, huyện Mê Linh, thành phố Hà Nội cho biết bưởi đỏ đang được khôi phục và phát triển tại địa phương. Điều này không chỉ giúp đỡ các hộ trồng bưởi giữ được nguồn gen, mà còn đẩy cao thu nhập của người trồng bưởi, phát triển kinh tế địa phương. UBND luôn đẩy mạnh công tác tuyên truyền, tạo điều kiện về các thủ tục pháp lý, pháp nhân đại diện cho Hợp tác xã Bưởi đỏ Đông Cao.
Hiện bưởi đỏ được mang đi nhân giống tại một số tỉnh như Yên Bái, Sơn La, Lạng Sơn và một số tỉnh phía Nam như Vĩnh Long, An Giang.
Theo đề án phát triển giống bưởi đỏ, đến năm 2023, huyện Mê Linh có tổng 100.000 cây, năm 2030 địa phương có vùng bưởi đặc thù và hướng tới nền nông nghiệp sạch kết hợp du lịch sinh thái. Đồng thời, hợp tác xã cũng ấp ủ giấc mơ xuất khẩu giống bưởi đỏ với mẫu mã đặc thù và chất lượng cao sang trời Nhật.
Ngọc Ly