Có nhiều loại viêm khớp khác nhau, trong đó viêm khớp dạng thấp (RA) và thoái hóa khớp (OA) rất phổ biến. Dù đều ảnh hưởng đến khớp nhưng hai bệnh này có những đặc điểm rất khác nhau.
Viêm khớp dạng thấp là bệnh tự miễn mạn tính, xảy ra khi hệ miễn dịch thay vì bảo vệ lại tấn công màng hoạt dịch bao quanh khớp, gây viêm. Hậu quả là bao hoạt dịch dày lên, phá hủy sụn và xương trong khớp. Các gân và dây chằng giữ khớp với nhau cũng yếu, căng giãn ra. Dần dần khớp mất đi hình dạng ban đầu, còn gọi biến dạng khớp.
Thoái hóa khớp là dạng viêm khớp phổ biến nhất. Trong đó, lớp sụn khớp bị hao mòn dần, khiến xương cọ xát vào nhau gây đau. Thoái hóa khớp không liên quan đến quá trình tự miễn dịch như RA, nhưng tình trạng viêm nhẹ cũng xảy ra.
Yếu tố nguy cơ
Cả hai loại viêm khớp đều phổ biến ở phụ nữ hơn nam giới. Viêm khớp dạng thấp có thể phát triển ở mọi lứa tuổi, còn thoái hóa khớp thường gặp ở người lớn tuổi. RA có thể di truyền trong gia đình. Người có cha mẹ hoặc anh chị em mắc bệnh này cũng có nguy cơ cao hơn.
Trong khi đó, thoái hóa khớp dễ phát triển ở người thừa cân hoặc béo phì, bị dị dạng khớp, mắc bệnh gout, tiểu đường, từng gặp chấn thương ở khớp. Nam giới dưới 45 tuổi và phụ nữ trên 45 tuổi có tỷ lệ mắc bệnh cao hơn.
Triệu chứng
Nhiều triệu chứng cơ bản của hai bệnh này giống nhau bao gồm đau, cứng, nóng đỏ khớp, phạm vi chuyển động hạn chế, triệu chứng tăng lên vào buổi sáng. Người bệnh viêm khớp dạng thấp có thể bị sốt nhẹ (nhất là trẻ em), đau cơ và mệt mỏi. Viêm khớp dạng thấp có thể ảnh hưởng đến toàn bộ cơ thể, bao gồm cả tim và phổi. Trong trường hợp nặng, các khối u cứng gọi là nốt thấp khớp có thể phát triển dưới da gần khớp. Thoái hóa khớp chủ yếu chỉ ảnh hưởng đến các khớp. Người bệnh có xu hướng phát triển gai xương ở rìa khớp.
Cường độ đau do hai loại viêm khớp khác nhau ở mỗi người bệnh. Người bệnh thoái hóa khớp hoặc viêm khớp dạng thấp đều có thể đau từ nhẹ đến nặng và khó cử động khớp bị ảnh hưởng. Thoái hóa khớp có thể gây cứng khớp buổi sáng dưới 30 phút, thời gian này kéo dài hơn ở người bệnh viêm khớp dạng thấp.
Các khớp bị ảnh hưởng
Viêm khớp dạng thấp thường bắt đầu ở các khớp nhỏ như gây đau, cứng và sưng ở các khớp ngón tay. Khi bệnh tiến triển, các triệu chứng có thể phát triển ở khớp lớn hơn như đầu gối, vai và mắt cá chân. Đây là bệnh đối xứng, nghĩa là các triệu chứng xuất hiện ở cả hai bên cơ thể cùng lúc.
Thoái hóa khớp ít đối xứng hơn. Ví dụ, người bệnh có thể đau ở cả đầu gối trái và phải, nhưng một bên đau nghiêm trọng hơn. Thoái hóa khớp thường gặp ở bàn tay và ngón tay, cột sống, khớp háng, khớp gối.
Phương pháp điều trị
Mục tiêu chính trong điều trị là giảm đau, cải thiện chức năng khớp, giảm tổn thương cho khớp. Tùy tình trạng bệnh lý, bác sĩ điều trị phù hợp. Thuốc chống viêm và giảm đau corticosteroid thường có hiệu quả với cả hai bệnh, nhưng việc sử dụng corticosteroid được giảm thiểu. Với viêm khớp dạng thấp, các loại thuốc ức chế hệ thống miễn dịch có thể ngăn cơ thể tấn công các khớp, hạn chế tổn thương.
Một người có thể mắc cả hai bệnh này. Dù thoái hóa khớp thường phát triển sau nhiều năm hao mòn sụn, người bệnh viêm khớp dạng thấp có thể bị thoái hóa khớp sớm hơn do các nguyên nhân như chấn thương thể thao dẫn đến tổn thương sụn, khớp hoặc dây chằng. Người bệnh cũng có thể bị thoái hóa khớp khi già đi. Người trên 65 tuổi mắc bệnh thoái hóa khớp cũng có thể phát triển viêm khớp dạng thấp.
Anh Ngọc (Theo Verywell Health)