Thoái hóa khớp (OA) là tình trạng lớp đệm tự nhiên giữa các khớp bị mài mòn, khiến xương cọ xát với nhau mạnh hơn dẫn đến đau, sưng, cứng khớp, giảm khả năng di chuyển, đôi khi hình thành các gai xương. Có hơn 100 loại viêm khớp nhưng đây là dạng phổ biến nhất, ảnh hưởng đến hàng triệu người trên thế giới, theo Trung tâm Kiểm soát và Phòng ngừa Dịch bệnh (CDC) Mỹ.
Dưới đây là 7 nguyên nhân phổ biến gây bệnh, trong đó một số nguyên nhân có thể kiểm soát bằng cách thay đổi lối sống.
Tuổi tác
Thoái hóa khớp thường xảy ra ở người lớn tuổi do lão hóa tự nhiên của cơ thể. Theo Thư viện Y khoa Quốc gia Mỹ (NLM), hầu hết mọi người có triệu chứng thoái hóa khớp khi 70 tuổi.
Hiện nhóm người trẻ tuổi hơn cũng có thể gặp các triệu chứng thoái hóa sớm như cứng khớp vào buổi sáng, đau nhức khớp, phạm vi chuyển động hạn chế. Nguyên nhân chủ yếu do chấn thương và lối sống không lành mạnh.
Di truyền
Thoái hóa khớp có xu hướng di truyền trong gia đình. Bạn có nhiều khả năng phát triển viêm khớp hơn nếu cha mẹ, ông bà hoặc anh chị em mắc bệnh này.
Giới tính
Giới tính cũng đóng một vai trò trong trong sự phát triển bệnh. Theo Thư viện Y khoa Quốc gia Mỹ, ảnh hưởng của viêm khớp đến nam giới và phụ nữ trước 55 tuổi như nhau. Sau độ tuổi này, phụ nữ có nguy cơ mắc bệnh nhiều hơn.
Chấn thương thể thao
Chấn thương thể thao có thể gây viêm xương khớp cho người lớn ở nhiều lứa tuổi. Các chấn thương phổ biến có thể dẫn đến thoái hóa khớp bao gồm rách sụn, trật khớp, tổn thương dây chằng. Chấn thương đầu gối liên quan đến thể thao, như căng và rách dây chằng chéo trước (ACL), tăng nguy cơ thoái hóa khớp về sau.
Nghề nghiệp
Một số công việc yêu cầu những hoạt động lặp lại nhiều giờ liền như lao động chân tay, quỳ gối, ngồi xổm, leo cầu thang... Điều này gây căng thẳng cho khớp, dẫn đến sụn bị mòn sớm. Các khớp thường bị ảnh hưởng liên quan đến nghề nghiệp bao gồm bàn tay, đầu gối, hông.
Thừa cân
Người thừa cân, béo phì có nguy cơ mắc thoái hóa khớp cao hơn. Trọng lượng cơ thể thừa gây áp lực nặng cho các khớp, nhất là đầu gối, hông, lưng. Nếu lo lắng về nguy cơ mắc bệnh hoặc bị đau khớp, hãy trao đổi với bác sĩ để được tư vấn kế hoạch giảm cân thích hợp.
Chảy máu
Các bệnh lý liên quan đến chảy máu gần khớp có thể khiến tình trạng thoái hóa khớp trầm trọng hơn hoặc xuất hiện các triệu chứng mới. Người mắc bệnh máu khó đông hoặc hoại tử vô mạch - tình trạng mô xương chết do thiếu nguồn cung cấp máu - cũng có thể gặp các triệu chứng liên quan đến bệnh.
Người có nhiều nguy cơ bị thoái hóa khớp hơn nếu mắc các dạng viêm khớp khác như gout hoặc viêm khớp dạng thấp.
Thoái hóa khớp là bệnh lý mạn tính và tiến triển, các triệu chứng tăng lên theo thời gian. Bệnh không thể chữa khỏi nhưng có nhiều phương pháp điều trị giúp giảm đau và duy trì khả năng vận động của người bệnh.
Ở những giai đoạn đầu, người bệnh thường được điều trị bảo tồn bằng cách dùng thuốc, tiêm axit hyaluronic hoặc corticosteroid vào khớp để giảm đau, thay đổi lối sống, tập vật lý trị liệu. Nếu các phương pháp điều trị không xâm lấn không còn hiệu quả, bác sĩ có thể chỉ định phẫu thuật, như thay khớp nhân tạo, giúp người bệnh khôi phục vận động, tránh liệt.
Anh Ngọc (Theo Healthline)
Độc giả đặt câu hỏi về bệnh cơ xương khớp tại đây để bác sĩ giải đáp |