Viêm khớp dạng thấp là bệnh tự miễn mạn tính, xảy ra khi hệ miễn dịch thay vì bảo vệ lại quay sang tấn công màng hoạt dịch bao quanh khớp, gây viêm. Hậu quả là bao hoạt dịch dày lên, phá hủy sụn và xương trong khớp. Các gân và dây chằng giữ khớp với nhau cũng yếu đi và căng giãn ra. Dần dần, khớp mất đi hình dạng ban đầu, còn gọi biến dạng khớp.
Ngày 7/5, ThS.BS.CKI Đinh Phạm Thị Thúy Vân, khoa Nội cơ xương khớp, Trung tâm Chấn thương Chỉnh hình, cho số bệnh nhân trẻ mắc viêm khớp dạng thấp tại Bệnh viện Đa khoa Tâm Anh TP HCM tăng gấp ba so với cùng kỳ năm trước. Mỗi tuần đơn vị tiếp nhận hơn 30 trường hợp viêm khớp dạng thấp, khoảng 30% người dưới 40 tuổi. Trong đó, nhiều người phải thay khớp.
Bác sĩ Vân lý giải ngày càng nhiều người trẻ mắc bệnh viêm khớp dạng thấp do một số yếu tố nguy cơ như hút thuốc lá, ăn thức ăn nhanh, uống nhiều rượu bia. Dù phát hiện sớm nhưng không ít người bệnh trẻ tuổi gặp phải những biến chứng nặng nề. Bệnh nhân viêm khớp dạng thấp phải uống thuốc suốt đời, nhưng nhiều người không kiên trì theo sát liệu trình điều trị.
Như chị Phương, 37 tuổi, phát hiện viêm khớp dạng thấp 3 năm trước, sưng đau ở các khớp bàn tay, cổ tay, hai đầu gối. Sau một thời gian điều trị, chị chuyển sang thuốc Đông y vì được hứa hẹn "điều trị dứt bệnh". Tuy nhiên, bệnh không giảm mà đau nhiều hơn, khó đi lại.
Kết quả chụp X-quang cho thấy khớp gối trái tổn thương nặng, phải thay khớp để khôi phục vận động. Sau phẫu thuật, chị được chỉ định dùng thuốc để ngăn bệnh phát triển, bảo vệ các khớp còn lại khỏi nguy cơ dính khớp, tránh biến chứng lên phổi hoặc tim mạch.
Mắc viêm khớp dạng thấp từ năm 19 tuổi nhưng suốt thời gian dài, chị Liên, hiện 32 tuổi, không uống thuốc đều đặn theo chỉ định của bác sĩ, chỉ uống khi bệnh bùng phát mạnh. Lúc bệnh giảm, chị ngừng uống vì nghĩ dùng thuốc tây nhiều không tốt. Khi các khớp đau và giới hạn vận động nhiều, chị mới đến Bệnh viện Đa khoa Tâm Anh TP HCM.
Lúc này, các khớp ở gối, vai, khuỷu, bàn tay... đều đã tổn thương, dính khớp nhiều. Người bệnh không thể đi nhanh, đôi lúc phải dùng xe lăn, không thể dang rộng tay hoặc làm việc nặng, sinh hoạt thường ngày khó khăn. Để khôi phục vận động, chị Liên phải thay khớp. Tuy nhiên, vì nhiều khớp cùng lúc bị tổn thương nặng, người bệnh còn trẻ nên phẫu thuật thay khớp lúc này chưa thích hợp.
Bác sĩ chỉ định chị dùng các loại thuốc kiểm soát, ngăn bệnh tiếp tục tiến triển. Trong khi đó, các khớp đã tổn thương không thể phục hồi lại như ban đầu. Người bệnh phải sống chung với tình trạng giới hạn vận động. Đến giai đoạn bệnh không thể điều trị bảo tồn cần can thiệp phẫu thuật.
Bác sĩ Vân cho biết y khoa chưa tìm được nguyên nhân chính xác gây viêm khớp dạng thấp. Tuy nhiên, một số nhóm có nguy cơ mắc bệnh cao hơn như người hút thuốc lá, thừa cân béo phì, tiếp xúc với các chất độc hại, có người thân mắc bệnh.
Bác sĩ Vân lưu ý viêm khớp dạng thấp không chỉ làm tổn thương xương khớp mà còn có thể dẫn đến các biến chứng nguy hiểm như viêm mạch máu, phổi mạn tính, tổn thương hệ thần kinh... Người bệnh cần được điều trị tích cực ngay từ đầu để làm chậm tiến triển bệnh, hạn chế tối đa các biến chứng.
Người có dấu hiệu viêm khớp dạng thấp như khớp, nhất là các khớp bàn tay, cổ tay; cứng khớp kéo dài vào buổi sáng sau khi thức dậy hoặc sau một thời gian nghỉ ngơi kéo dài; có thể kèm biểu hiện khác như mệt mỏi, sốt, chán ăn... nên đi khám sớm và thực hiện đủ các xét nghiệm cần thiết. Người bệnh cần kiên trì và tuân thủ chỉ định điều trị.
Phi Hồng
* Tên người bệnh đã được thay đổi
Độc giả gửi câu hỏi về cơ xương khớp tại đây để bác sĩ giải đáp |