Trả lời:
Ngáy là âm thanh nghe khàn hoặc khò khè phát ra từ mũi hoặc miệng, xảy ra trong lúc ngủ. Vùng sau của họng bị hẹp lại, không khí đi qua một khoang hẹp làm các mô xung quanh rung lên gây ra tiếng ngáy.
Ngủ ngáy đi kèm mệt mỏi, đau đầu là một trong các biểu hiện của hội chứng ngừng thở khi ngủ. Ở hội chứng này, đường hô hấp bị hẹp lại hoàn toàn hoặc một phần trong lúc ngủ, không khí không vào được trong phổi gây thiếu oxy máu, từ đó gây phản ứng như tim đập nhanh, huyết áp tăng, căng thẳng cho tim, phổi, mạch máu não, xảy ra các cơn khó thở.
Ngưng thở khi ngủ là một trong các nguyên nhân gây tắc mạch vành, nhồi máu cơ tim, tăng huyết áp. Tình trạng sức khỏe này cũng đánh thức não, gây thức giấc liên tục trong đêm, khiến cơ thể luôn trong trạng thái mệt mỏi, uể oải, ngủ nhiều nhưng hiệu quả giấc ngủ kém.
Để điều trị, bạn cần thăm khám các bác sĩ chuyên khoa hô hấp xem mình có mắc hội chứng ngưng thở khi ngủ hay không và mức độ, nguyên nhân. Thông thường ngủ ngáy - ngưng thở khi ngủ có các nguyên nhân như thừa cân, béo phì, dùng thuốc ngủ, thuốc an thần, rượu bia, bệnh lý vùng mũi họng làm hẹp đường thở như viêm mũi, viêm amidan, viêm VA hay lưỡi gà.
Tùy vào nguyên nhân chính gây ngủ ngáy mà bác sĩ sẽ đưa ra biện pháp điều trị thích hợp. Ở mức độ nhẹ, người bệnh có thể giảm bớt ngủ ngáy bằng cách duy trì chế độ luyện tập thể dục thể thao đều đặn, giảm cân nếu thừa cân, không uống rượu, sử dụng chất chứa cafein, không dùng thuốc an thần, ngủ nghiêng, duy trì giấc ngủ đều đặn vào một khung giờ cố định.
Ở mức độ trung bình hoặc nặng, phương pháp điều trị hàng đầu hiện nay là thở máy áp lực dương khi ngủ để mở rộng đường thở. Nếu người bệnh dung nạp được với máy thì hiệu quả đạt gần như 100%. Máy dễ sử dụng, nhỏ gọn, an toàn nên người bệnh có thể sử dụng tại nhà. Bác sĩ thông qua một ứng dụng trực tuyến có thể theo dõi hiệu quả thở máy, điều chỉnh các thông số máy thở từ xa, người bệnh không phải mang máy thở đến bệnh viện.
Thạc sĩ, bác sĩ Phùng Thị Thơm
Khoa Hô hấp, Bệnh viện Đa khoa Tâm Anh Hà Nội