Mới đây, truyền thông Nhà Trắng đưa tin Tổng thống Joe Biden bắt đầu phải sử dụng máy thở áp lực dương liên tục (CPAP) để cải thiện chất lượng giấc ngủ. Trước đó, năm 2019, các hồ sơ y tế cho thấy, ông gặp tình trạng ngủ ngáy và ngưng thở khi ngủ, nhưng các triệu chứng đã cải thiện sau nhiều cuộc phẫu thuật mũi và xoang.
Thạc sĩ, bác sĩ Phùng Thị Thơm, khoa Hô hấp, Bệnh viện Đa khoa Tâm Anh Hà Nội, cho biết, máy trợ thở CPAP mà ông Joe Biden sử dụng là thiết bị hỗ trợ áp lực cho người bệnh bị khó thở hoặc ngừng thở. Nhiều nghiên cứu chỉ ra, CPAP mang lại hiệu quả cao trong việc loại bỏ các hiện tượng tắc nghẽn đường hô hấp, gián đoạn giấc ngủ đối với người mắc chứng ngủ ngáy do ngưng thở khi ngủ.
CPAP tạo một luồng khí áp lực dương dẫn qua đường ống gắn với một mặt nạ nhỏ áp vào mũi hoặc mũi và miệng của người bệnh. Luồng khí này có tác dụng như một nẹp khí làm mở rộng đường thở. Nhờ đó, không khí được trao đổi trong phổi, tăng nồng độ oxy máu và cải thiện giấc ngủ bị gián đoạn.
Thiết bị này cũng giúp bệnh nhân gặp vấn đề về hô hấp, tim mạch như viêm phổi nặng, phù phổi, suy tim... hỗ trợ thông khí tại phổi tốt hơn ở bệnh nhân có suy hô hấp, thiếu oxy máu.
Theo bác sĩ Phùng Thơm, máy thở CPAP có thiết kế nhỏ gọn, dễ sử dụng, ngay cả người không rành công nghệ cũng dùng được tại nhà. Máy có chế độ theo dõi từ xa, giúp bác sĩ theo dõi hiệu quả thở máy của người bệnh và điều chỉnh các thông số khi cần thiết. Duy trì dùng máy CPAP mỗi ngày, kết hợp chế độ sinh hoạt, ăn uống khoa học theo phác đồ điều trị của bác sĩ có thể giảm gần 100% triệu chứng ngáy ngủ, giúp cải thiện chất lượng giấc ngủ, tránh được các biến chứng của ngưng thở khi ngủ.
Bác sĩ Phùng Thơm cho biết, hội chứng ngủ ngáy và ngưng thở khi ngủ mà ông Joe Biden gặp phải khá phổ biến, thường gặp ở người lớn tuổi. Hầu hết người bệnh đều có các triệu chứng ngáy to, mệt mỏi sau ngủ dậy, đau đầu, mất tập trung, giảm trí nhớ, buồn ngủ vào ban ngày. Bệnh làm giảm hoặc ngừng hoàn toàn luồng không khí đi vào phổi, gây giảm bão hòa oxy máu; suy giảm khả năng tình dục; tăng nguy cơ mắc bệnh trầm cảm, tim mạch, rối loạn chuyển hóa, đột quỵ. Người mắc hội chứng này có nguy cơ gặp tai nạn giao thông hoặc sinh hoạt nhiều hơn gấp 6-7 lần so với người không có ngưng thở khi ngủ. Nguy hiểm hơn, người bị ngưng thở khi ngủ có thể đột tử trong đêm.
Cơn ngưng thở hoặc giảm thở khi ngủ kéo dài trên 10 giây. Sau đó, người bệnh có thể bị kích thích tỉnh giấc với cảm giác ngạt thở, thở gấp. Tuy nhiên, hầu hết các trường hợp mắc bệnh không tự nhận biết được mà thường do người ngủ cùng phát hiện tiếng ngáy, tiếng thở bất thường. Bác sĩ dẫn các nghiên cứu cho thấy, khoảng 40% người ngủ ngáy có ngừng thở khi ngủ, nhưng chỉ 9-10% trong số đó được chẩn đoán và điều trị.
Nếu chỉ dựa vào tiếng ngáy không thể nhận biết chính xác được ngủ ngáy có kèm hội chứng ngưng thở khi ngủ hay không. Các vấn đề vùng mũi, họng gây hẹp khẩu kính đường thở như viêm mũi xoang, phì đại amidan.. đều có thể gây ngưng thở khi ngủ. Do đó, cần làm thêm các thăm dò như đo đa ký giấc ngủ hay đa ký hô hấp, nội soi tai mũi họng để xác định có hội chứng ngừng thở khi ngủ hay không.
Trịnh Mai